Gắn kết giữa nghiên cứu - phát triển công nghệ cao với sản xuất và dịch vụ, thúc đẩy đổi mới công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và thương mại hoá công nghệ cao là một trong 4 mục tiêu quan trọng mà Thủ tướng chính phủ và Ủy ban nhân dân Thành phố đặt ra cho Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh trong 16 năm hình thành và phát triển, đến nay Khu Công cao đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như: sản lượng công nghiệp công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao tăng nhanh và bền vững trong các năm; tạo dựng môi trường thuận lợi cho nghiên cứu và triển khai, đào tạo, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và khởi nghiệp; hình thành chuỗi giá trị gia tăng từ nghiên cứu và triển khai, thương mại hóa sản phẩm công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao đến sản xuất công nghệ cao; tạo sự lan tỏa, thúc đẩy phát triển công nghệ cao.
Tiếp nối thành công nêu trên, Khu Công nghệ cao tiếp tục kết nối và tăng cường các quan hệ hợp tác giữa Đại học/Viện nghiên cứu với Doanh nghiệp trong các lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao theo xu hướng chung của thế giới. Một trong những hoạt động gắn kết giữa nghiên cứu phát triển, thương mại hóa và sản xuất công nghệ cao nổi bật của Khu Công nghệ cao trong năm 2018 là việc tổ chức 03 Hội nghị quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới, thiết kế chế tạo hệ thống vi cơ điện tử (MEMS), Robot và Trí tuệ nhân tạo.
Thứ nhất, hội nghị “Ứng dụng công nghệ nano và vật liệu mới” (Nanotechnology and New/Advanced Material Applications”) sẽ diễn ra vào ngày 31/8/2018 tại Khu công nghệ cao. Hội nghị lần này thu hút được sự tham gia của 12 diễn giả là những nhà nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực công nghệ và vật liệu nano đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore và Việt Nam. Đặc biệt, Hội nghị đã mời được Giáo sư Sumio Iijima (Đại học Meijo, Nhật Bản) người đã phát minh ra vật liệu carbon nanotube ở Nhật Bản năm 1991, đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển một cách thần kỳ của công nghệ và vật liệu nano không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới; Giáo sư Munir Nayfeh (Đại học Illinois, Hoa Kỳ) người đã phát minh ra vật liệu nano silicon có tính chất phát quang và được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y sinh học và trị liệu ung thư; Giáo sư Eiichi Tamiya (Đại học Osaka, Nhật Bản) chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực nano cảm biến sinh học ở Nhật Bản và trên thế giới đến tham gia và có bài phát biểu đề dẫn tại Hội nghị. Ngoài ra, Hội nghị cũng vinh dự chào đón các nhà nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực công nghệ và vật liệu nano đến từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu và Doanh nghiệp ở Việt Nam và trong khu vực.
Thứ hai, diễn đàn MEMS sẽ diễn ra vào ngày 28/9/2018 với chủ đề chính là “Nắm bắt xu hướng nuôi dưỡng sáng tạo” (Grab the trend - nurture creations) và 4 chủ đề phiên song song (dự kiến) là: (i) Hướng đến Thương mại hóa sản phẩm MEMS từ kết quả hoạt động nghiên cứu và triển khai; (ii) Những chính sách thu hút đầu tư nhằm phát triển ngành công nghiệp MEMS; (iii) Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp MEMS; (iv)Vai trò của Quỹ đầu tư mạo hiểm trong sự phát triển hệ sinh thái MEMS. Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận chiến lược giữa các nhà điều hành cấp cao để định hình thị trường sản phẩm MEMS tại Việt Nam trong trung và dài hạn, đồng thời duy trì và tăng cường kết nối mạng lưới giữa “doanh nghiệp – doanh nghiệp”, “doanh nghiệp – chuyên gia” và “chuyên gia - chuyên gia”. Diễn giả và khách mời tham dự diễn đàn có Giáo sư Toshihiro Ito (Đại học Tokyo, Nhật Bản), chuyên gia về các MEMS sensor cho cuộc sống thông minh; Giáo sư Mizubayashi (Đại học Y & Nha khoa Tokyo, Nhật Bản), chuyên gia về "Medical Sensors for smart life"; Giáo sư Sawada (Đại học Kyushu, Nhật Bản), chuyên gia về "Blood flow sensors for smart life"; Giáo sư SS Lee (Đại học Tottori, Nhật Bản), chuyên gia về "Environment Monitoring for Smart City"; Giáo sư Fujimoto (Đại học Công nghệ Chiba, Nhật Bản), chuyên gia về "Energy monitoring with LPWA"; TS. Takayuki Ishizuka (Vụ Khoa học và công nghệ Nhật Bản), chuyên gia về ứng dụng các hệ thống cảm biến đo lường độ bền của các công trình giao thông và xây dựng; Giáo sư Susumu Sugiyama, Giáo sư Ryutaro Maeda, Ths. Nazuhiko Nakamura (Đại học Ritsumeikan, Shiga, Nhật Bản); TS. Tomonori Seki (Quản lý Trung Tâm Nghiên cứu công nghệ cảm biến, Tập Đoàn OMRON, Nhật Bản); Ông Eduard Hoberichts (Công ty Fabmax, Hà Lan); Giáo sư Dao Viet Dung (Đại học Grifft, Úc); Giáo sư Dongfang Lee (Đại học Jilin, Trung Quốc), chuyên gia về "Air monitoring for smart city"; Giáo sư Wei, (Đại học Giao thông Tây An, Trung Quốc), chuyên gia về "Resonant sensors and its applications"; Giáo sư Vincent Lee (Đại học Quốc gia Singapore), chuyên gia về "Energy Harvesting for IoT".
Thứ ba, Hội nghị Quốc tế Thường niên Khu Công nghệ cao năm 2018 “Robot và Trí tuệ nhân tạo” sẽ diễn ra vào ngày 16-17/11/2018 tại Khu Công nghệ cao, cùng các diễn giả chủ đạo danh tiếng trong giới học thuật toàn cầu. Hội nghị diễn ra gồm 01 phiên chính với chủ đề chính là “Robot và Trí tuệ nhân tạo” (Robotics and Artificial Intelligence) và 03 chủ đề phiên song song là: (i) Sự tương tác giữa Con người và Robot trong thời đại công nghiệp 4.0. (Human-Robot Interaction in Industry 4.0); (ii) Robot và trí tuệ nhân tạo cho thành phố thông minh (Robotics and AI, Applications for smart city); (iii) Việt Nam trong thời đại Robot và trí tuệ nhân đạo (Vietnam in the Era of Robotics and AI).
Năm nay, Hội nghị trân trọng mời được Giáo sư Kim Min Jun (Đại học Southern Methodist, Hoa Kỳ), Giáo sư Lee Joo Ho (Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản), Giáo sư Hiroshi Mamitsuka (Đại học Kyoto, Nhật Bản), Giáo sư Phạm Đức Trường (Đại học Birmingham, Anh Quốc) và Giáo sư Hồ Tú Bảo (Giáo sư danh dự Viện khoa học và công nghệ tiên tiến JAIST, Nhật Bản) cùng một số nhà khoa học, nghiên cứu sinh từ Viện KIST (Hàn Quốc) và từ các trường đại học trong nước. Hội nghị là bước chuẩn bị cho sự phát triển bền vững và tối ưu hóa tiềm năng của Khu Công nghệ cao TP.HCM trong diễn biến Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư với các mục đích rõ rệt là tiếp cận những công nghệ mới nhất trên thế giới về lĩnh vực robotics và trí tuệ nhân tạo thông qua các diễn giả chủ đạo danh tiếng trong giới học thuật toàn cầu; kết nối thành quả nghiên cứu của các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu với các doanh nghiệp công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm; góp phần định hướng phát triển công nghệ Robotics và AI cho Thành phố Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên Công nghiệp 4.0 hiện nay.
Cập nhật website: http://conf.shtpvn.org
Mạnh Xuân
Tags:
công nghệ
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com