Trong tập 13 của chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ mùa 2, xuất hiện trong bộ áo bà ba giản dị, nhà sáng lập Ngô Minh Văn của Công ty TNHH Chả Lụa Hai Lúa thu hút các nhà đầu tư ngay từ câu hò mở màn đầy ngọt ngào và nhận được một tỷ đổi lấy 36% cổ phần.
Đến với chương trình, Start-up đi cùng cậu là Nguyễn Hữu Tài và mẹ là Trương Thị Cẩm Hường đến tham gia Shark Tank Việt Nam.
Ngoài hai món đặc sản chả lụa và giò thủ để chiêu đãi các nhà đầu tư, Minh Văn còn mang cả tấm lòng cầu thị khi mong muốn được rót 1 tỷ đồng cho 10% cổ phần.
Minh Văn cho biết, công ty chỉ mới được thành lập vào năm 2017 nhưng chả lụa của gia đình anh đã có truyền thống hơn 40 năm nay.
Trước đây, các sản phẩm chủ yếu phân phối cho các tiểu thương ở chợ. Khi kế nghiệp gia đình, Minh Văn đã rút lại các kênh phân phối và cho tự sản xuất bán tại nhà, với giá bán 200 nghìn đồng/sản phẩm, tiêu thụ 20kg/ngày.
Các sản phẩm đã được đưa đi kiểm định, làm mã vạch để phân phối cho các siêu thị, trung tâm thương mại nhưng chưa kí kết được vì chiết khấu khá cao (30-40%).
Trước khi khởi nghiệp, Minh Văn từng đi lính và sau đó làm công an. Nhưng với đam mê kinh doanh đã ngấm vào máu từ nhỏ cùng tâm huyết muốn phát triển tiếp ngành nghề truyền thống của gia đình, anh đã chọn khởi nghiệp.
Vốn điều lệ hiện có của công ty là 100 triệu. Doanh thu năm 2017 là 1 tỷ 44 triệu đồng. Trong đó, lợi nhuận ban đầu chưa thuế là 682 triệu.
Báo cáo thuế quý 2 năm nay đạt 642 triệu. Mục tiêu sắp tới là sản xuất 40 tấn/tháng để cung cấp cho các hệ thống siêu thị, doanh thu đạt 8 tỷ đồng.
Công ty có xưởng tại nhà với diện tích khoảng 60-80m vuông. Sản xuất tối đa được 300-400kg/ngày. Vì muốn phát triển mô ở quy mô lớn hơn nên Minh Văn rất cần sự giúp sức của các nhà đầu tư.
Hứng thú với sự nhiệt thành của nhà sáng lập nhưng Shark Hồng Anh không khỏi quan ngại về chất lượng sản phẩm khi đi từ mô hình hộ gia đình lên sản xuất quy mô lớn.
Thêm nữa, công ty chỉ có 100 triệu nhưng startup lại định giá lên đến 10 tỷ, tức P/E gấp1000 lần.
Trước nghi ngại này, Minh Văn tự tin anh cùng cậu đã thử nghiệm sản xuất theo dây chuyền công nghiệp nhỏ và thành công. Về việc định giá, nhà sáng lập định giá dựa trên tỷ suất lợi nhuận, do đó, nhà đầu tư có thể yên tâm.
Tấm tắc khen chả lụa và đánh giá cao tâm huyết của nhà sáng lập nhưng hai nhà đầu tư Quỹ nhận thấy công ty đang tập trung vào sản phẩm, chưa có người kinh doanh để thương mại hóa công ty.
Trong khi đó, hai Shark không có quá nhiều thời gian để hỗ trợ. Vì thế, cả hai tuyên bố không đầu tư.
Đồng tình với hai nhà đầu tư Quỹ, Shark Hưng cũng ghi nhận tâm huyết của startup khi chọn khởi nghiệp ở ngành nghề truyền thống.
Tuy nhiên để đầu tư trên một quy mô công nghiệp lớn thì vấn đề quản lý sản xuất, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh… khá phức tạp. Bản thân Shark lại không có hiểu biết sâu sắc về ngành này, vì thế ông quyết định rút lui.
Cũng làm trong ngành thực phẩm, Shark Phú cho rằng để thay đổi mô hình từ gia đình sang công nghiệp cần rất nhiều thời gian và công sức, Shark lại ở xa, không hỗ trợ được nhiều nên ông không đầu tư.
Bị 4/5 Shark từ chối, Minh Văn chia sẻ nếu không được rót vốn, anh sẽ vẫn thuyết phục gia đình cầm giấy tờ nhà để mua máy móc.
Nhưng vì khoảng cách giữa hai thế hệ trong gia đình quá lớn, rất khó để anh thực hiện ước mơ mang sản phẩm truyền thống bước ra thị trường quốc tế.
Ấn tượng trước tâm huyết của nhà sáng lập, Shark Hồng Anh bất ngờ lên tiếng đề nghị đầu tư 1 tỷ đổi lại 49% cổ phần.
Phó chủ tịch TTC bày tỏ: “Nhìn em rất chân thật, rất cố gắng để phát triển ngành nghề của đại gia đình... Hầu như tất cả các trung tâm thương mại anh đều có mối quan hệ.
Các dự án bất động sản của anh đều cho các trung tâm thương mại thuê sỉ nên anh có thể hỗ trợ giúp em đàm phán tốt hơn với các trung tâm thương mại, siêu thị”.
Đề nghị nắm giữ số cổ phần khá cao từ Shark khiến nhà sáng lập do dự, Minh Văn thương lượng được đổi lấy 30% nhưng lập tức bị Phó chủ tịch TTC từ chối, Shark thể hiện sự kiên quyết: “Thật sự anh rất muốn giúp sức cho em khi thấy một tuổi trẻ hoài bão, khát vọng như thế. Nhưng mô hình này rất nhỏ nên khi anh đầu tư anh cũng phải dành thời gian tư vấn. Kể cả một số nhân sự của anh cũng phải hỗ trợ cho em, anh không thay đổi tỷ lệ…”
Cuối cùng, với mong muốn tạo tinh thần cho thế hệ 9x khởi nghiệp, Phó chủ tịch TTC đã gật đầu đồng ý khi Minh Văn mong muốn chia sẻ 36% cổ phần để nhà đầu tư vẫn có được quyền biểu quyết.
Thương vụ khép lại với cái kết trọn vẹn, hy vọng sự kết hợp của startup có tâm đi cùng với một nhà đầu tư có tầm sẽ tạo thêm nhiều lực đẩy để Chả lụa Hai Lúa có cơ hội phát triển các sản phẩm truyền thống trong tương lai.
Kiều Diễm
Tags:
kinh doanh
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com