Một trường hợp nhau bong non hiếm gặp được cứu kịp thời

Ngày 3/10/2018, Bệnh viện Quốc tế City đã mổ cấp cứu kịp thời cứu sống được thai nhi 37.5 tuần tuổi và giữ lại được tử cung cho sản phụ 34 tuổi, ở TP.HCM bị nhau bong non diện rộng. Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Bích. C, ở quận 1 (TP.HCM). Sau phẫu thuật, mẹ và con sản phụ đều hồi phục tốt. 

Chị Nguyễn Thị Bích. C, ở quận 1 (TP.HCM) có bệnh lý tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ từ tuần 32, và đó cũng có thể cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh nhau bong non. Sáng ngày 3/10, chị có dấu hiệu đau bụng và gia đình đã đưa chị đến Bệnh viện Quốc tế City để dự kiến nhập viện chờ sinh con. Tuy nhiên, trên đường đi, chị bị ra huyết âm đạo kèm theo đau bụng nhiều. Đến khoảng 16:10 chiều cùng ngày, chị đến phòng cấp cứu, được bác sĩ Cúc nhanh chóng chẩn đoán tình trạng thai suy cấp, nghi nhau bong non và mổ cấp cứu kịp thời cho sản phụ, cứu sống cả mẹ và bé. 

Sản phụ và em bé được cứu kịp thời và bình phục

Ca mổ thành công tốt đẹp, sản phụ sau mổ được nằm tại khoa săn sóc đặc biệt, đã được truyền 1 đơn vị hồng cầu lắng do mất nhiều máu. Em bé sau sinh được nằm khu chăm sóc tích cực 3 ngày và đến ngày 6/10 đã được về với mẹ. 

Nhau bong non là một bệnh lý cấp cứu sản khoa ít gặp và rất nguy hiểm. Nếu không được cấp cứu kịp thời thì nguy cơ trẻ tử vong trong bụng mẹ rất cao do thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Đối với sản phụ, nhau bong non có thể gây biến chứng rối loạn đông máu gây đờ tử cung, có thể phải cắt bỏ tử cung, hoặc đe dọa cả tính mạng. 

Bác sĩ CK II. Nguyễn Thị Cúc, Khoa Sản Bệnh viện Quốc tế City- phẫu thuật viên chính trong cả mổ chia sẻ: “Trường hợp sản phụ Nguyễn Thị Bích C là 1 ca con quý vì đã 2 lần thụ tinh trong ống nghiệm thất bại, thai vừa được 37.5 tuần tuổi thì xảy ra biến chứng thai kỳ. Trong ca này có một chút may mắn cộng với sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao, khẩn trương của cả ekip nên chúng tôi đã cứu kịp thời bé sơ sinh, giữ lại được tử cung cho sản phụ, mặc dù tử cung đã tím. Khi em bé sinh ra thì toàn bộ bánh nhau trôi ra theo, khối máu tụ sau nhau rất lớn, bé sơ sinh ở trạng thái mềm nhũn, đội ngũ hồi sức đã tích cực hồi sức cho bé. Sau vài phút, bé cất tiếng khóc, cả ekip vỡ òa vui sướng. Chúng tôi đã phối hợp thật nhịp nhàng, khẩn trương từ phòng cấp cứu, lên đến phòng mổ, từ bác sĩ phẩu thuật đến gây mê hồi sức, cho đến đội ngũ chăm sóc sơ sinh và chăm sóc hậu phẩu cho mẹ thật chặt chẽ nhằm đạt được kết quả tốt nhất cho cả mẹ và bé. Trong thời khắc đó, mỗi phút khẩn trương là mỗi phút vàng để cứu mẹ và con, chậm trễ một chút, thai nhi có thể nguy kich, không cứu được, sản phụ phụ có thể mất tử cung, thậm chí tử vong”. 

Ngày 8/10, bác sĩ Cúc thăm gia đình chị C, cả mẹ và bé đều đã hồi phục tốt. Bé gái, cân nặng 2.8 lúc sinh, nay đã tự bú mẹ, hồng hào. Chị C bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến bệnh viện: “Gia đình tôi rất biết ơn bác sĩ Cúc và ekip mổ bệnh viện Quốc tế City, chúng tôi thật may mắn khi chọn nơi đây để sinh em bé. Tôi có tiền căn lúc thai kỳ: cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, 2 lần IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) không thành công, vì vậy mà mà sắp sanh mới xảy ra biến chứng thai kỳ. Bệnh viện đã cứu cả sinh mạng tôi và con. Chúng tôi vô cùng cảm kích và biết ơn CIH”. 

Bác sĩ Cúc cũng nhắn nhủ các bà mẹ đang mang thai: khi có triệu chứng bất thường xảy ra trong thai kỳ như đột ngột đau bụng, ra máu âm đạo, ra nước âm đạo, hoa mắt, chóng mặt,… thì phải đến bệnh viện ngay, đừng chần chờ, vì đó có thể là triệu chứng của những biến chứng xảy ra trong thai kỳ. Đến với Cơ sở y tế càng sớm thì cơ hội cứu sống con và mẹ càng cao. 

Nhau bong non là trạng thái xảy ra khi bánh nhau sớm tách ra khỏi thành tử cung trước khi thai nhi ra đời. Một tên khác cho hiện tượng này là ‘abruptio placentae’.
Nhau thai là nguồn sống chính của trẻ, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng, nếu nhau thai không bám chặt vào thành tử cung, sẽ dẫn đến sự gián đoạn việc cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi.
Dưới 1% thai phụ rơi vào tình trạng nhau bong non, cũng có thể nói là hiếm khi xảy ra.
Nguyên nhân của nhau bong non không phải lúc nào cũng rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yết tố thuận lợi làm tăng nguy cơ xảy ra:
· Những người có tiền sử bong nhau non, nguy cơ tái phát càng tăng lên.
· Những người nghiện thuốc lá và sử dụng ma túy.
· Tiêu thụ một lượng lớn rượu trong khi mang thai. Quá 14 ly rượu mỗi tuần trong khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ bong nhau non.
· Tăng huyết áp- có thể là tăng huyết áp khi mang thai, hoặc tăng huyết áp mãn tính.
· Dinh dưỡng kém.
· Những phụ nữ sinh nhiều con, nguy cơ sẽ tăng lên.
· Phụ nữ trên 35 tuổi.
· Những phụ nữ có chứng rối loạn máu như đông máu và có xu hướng chảy máu.
· Chấn thương vùng bụng như một tai nạn xe cộ, té ngã hoặc bị đấm. Phụ nữ bị đánh và chấn thương thông qua bạo lực gia đình có nguy cơ hơn.
· Các phụ nữ bị u xơ tử cung hoặc một số hình thức bất thường của tử cung.
· Nếu bị vỡ màng ối non. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu nước ối mất nhanh và đột ngột. Điều này có thể xảy ra trong quá trình sinh theo ngả âm đạo sau khi sinh đôi lần đầu tiên.
· Đối với bà mẹ mang đa thai như sinh đôi, sinh ba hoặc sinh tư.
· Trẻ có dây rốn quá ngắn sẽ làm rủi ro bong nhau non tăng lên.
Biến chứng của nhau thai bong non:
· Mất máu quá nhiều khiến người mẹ bị sốc.
· Rối loạn đông máu.
· Suy bào thai do thiếu oxy và chất dinh dưỡng.
· Nếu nhau bong non nghiêm trọng và không được điều trị kịp thời, cả người mẹ và em bé đều có thể tử vong.
Y Khanh 
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: giadinhtieudung@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép ICP số 45/GP-STTTT do Sở TTTT cấp ngày 06/08/2019
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Hương Sen
Ghi rõ nguồn: giadinhtieudung.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc Hello Media
Văn phòng: Đường số 9, khu đô thị Sala,
Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Email: giadinhtieudung@gmail.com