Vừa qua , hội thảo “Bệnh theo mùa và cách sử dụng thuốc kháng sinh hiệu quả” do Hệ thống Trường Mầm non Quốc tế Saigon Academy (SGA) tổ chức đã thu hút đông đảo phụ huynh có con từ 0-6 tuổi với sự tư vấn của bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn (bác sĩ Nhi khoa, Giám đốc Y khoa Bệnh viện Victoria, Nguyên Phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2).
Ở SGA các em được học cách giữ gìn vệ sinh cá nhân và tạo các thói quen tốt để giữ gìn sức khoẻ
Những ngày qua truyền thông liên tục thông tin về việc xuất hiện nhiều loại dịch bệnh cùng một lúc làm cho nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng. Thực hư của các dịch bệnh hiện nay là như thế nào? Phải làm gì để có thể phòng chống bệnh cho trẻ? Liệu rằng có nên cho con đi học vào mùa dịch bệnh? Bệnh tay chân miệng thật ra có quá nguy hiểm như mọi người đang nghĩ?
Giải toả nỗi lo bệnh dịch chồng dịch
Ở chương trình SGA Cafe Talk số đầu tiên, phụ huynh cũng một phần nào hiểu hơn về quá trình hình thành sức đề kháng của trẻ. Việc nhiễm bệnh theo mùa là cơ hội cho con được hoàn chỉnh hệ miễn dịch của mình. “Nói một cách khác, hãy cho con được ốm”, bác sĩ Trí Đoàn chia sẻ.
Tại buổi hội thảo, bác sĩ cung cấp nhiều kiến thức bổ ích liên quan những căn bệnh theo mùa thường gặp như: cảm siêu vi, bệnh tay chân miệng, các bệnh về hô hấp, bệnh sốt xuất huyết…
Theo bác sĩ Trí Đoàn, “thật ra virus mùa nào cũng có, nhưng do thời tiết thuận lợi nên virus phát triển nhanh và truyền lan nhanh từ trẻ này sang trẻ khác. Vì thế chúng ta không gọi thời điểm bây giờ là dịch chồng dịch mà chỉ là những hiện tượng xảy ra bình thường trong đời sống của trẻ”.
“Vì thế bố mẹ hãy hiểu đúng, hiểu đủ để cùng đồng hành với các con một cách trọn vẹn, tránh những suy nghĩ cực đoạn như hạn chế cho con tiếp xúc với trẻ khác vì sợ lây, thậm chí cho con ở nhà hàng tháng trời vì muốn bảo vệ trẻ. Như vậy lại vô tình ảnh hưởng đến dư chấn tâm lý của các con”, bác sĩ Trí Đoàn chia sẻ.
Hiểu đúng về bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng được hiểu một cách chính xác hơn là bệnh nhiễm virus cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ và rất dễ lây cho người khác. Có nhiều biểu hiện khi trẻ bị tay chân miệng. Có bé với sức đề kháng mạnh sẽ không bị nổi hột đỏ, có sốt nhưng rồi hết, có những bé bị sốt nổi mụn đỏ trong vòng 07 ngày rồi tự khỏi, có bé bị biến chứng nặng hơn.
Bệnh tay chân miệng là bệnh có thể tự khỏi, quan trọng nhất là cung cấp đầy đủ nước cho trẻ. Tuy nhiên với những bé biến chứng thì khi nào cần đưa con đến bệnh viện chữa trị? Đó là lúc thấy con lừ đừ, sốt cao không hạ và bước đi loạng choạng.
Cơ bản bệnh tay chân miệng không gây nguy hiểm cho trẻ, trừ những trường hợp biến chứng nặng nhưng lại không đưa đến bệnh viện kịp thời để thăm khám.
Lạm dụng thuốc kháng sinh
Theo Hiệp hội tổ chức sức khoẻ thế giới, Việt Nam là nước có tốc độ sử dụng thuốc kháng sinh chóng mặt. Trong khi trên thế giới mới sử dụng loại 1, Việt Nam đã sử dụng đến loại 3, 4.
Từ phải sang Chị Mã Mỹ Loan – Giám Đốc Điều Hành Hệ Thống Trường Mầm Non Quốc Tế Saigon Academy , Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn – Bác sĩ nhi khoa, Giám Đốc Y Khoa Bệnh việc Victoria, MC Hoài Hương
Bác sĩ Trí Đoàn chia sẻ tại hội thảo: “Việc lạm dụng thuốc kháng sinh như hiện nay gây ra một nỗi lo vô cùng lớn. Thực tế, thuốc kháng sinh không có tác dụng chữa các bệnh do siêu vi gây ra như cảm siêu vi, sốt xuất huyết, tay chân miệng… mà việc lạm dụng nó sẽ gây đến tình trạng bất lợi đến lợi khuẩn.
Cũng vì thế, hệ miễn dịch của con chỉ trưởng thành khi con đã mắc bệnh. Việc ở nhà thường xuyên khiến hệ miễn dịch của con không được tập luyện, từ đó sức đề kháng của trẻ sẽ kém hơn. “Người ta ghi nhận, trẻ khi đi học sớm sẽ ít bệnh hơn khi vào tiểu học so với trẻ đến trường sau 03 tuổi. Thế nên đừng để con ở nhà, hãy cho con nhiều cơ hội hơn để huấn luyện sức đề kháng của chính mình”, bác sĩ Trí Đoàn chia sẻ.
Mỹ Như
Tags:
giáo dục
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com