Thông tin trên các trang web bất động sản, qua sàn giao dịch và qua cả kênh truyền thông, nhiều dự án được “thổi giá” lên nhiều so với giá trị thực.
“Thổi giá” qua những thông tin chưa rõ ràng
Vào khoảng cuối tháng 9, Tập đoàn Mường Thanh mở bán các căn hộ nằm ở vị trí đẹp tại khu đô thị Thanh Hà B (Hà Đông, Hà Nội), diện tích căn hộ từ 50 – 80 m2. Sau đó, thông tin từ một kênh truyền thông, 1.500 căn hộ đã được bán hết trong ngày đầu tiên mở bán trên tổng số gần 2.000 căn hộ, giá bán căn hộ khoảng 12 triệu đồng/m2.
Những căn hộ giá rẻ, diện tích nhỏ và giá trung bình khoảng từ 600-800 triệu đồng/căn vốn là phân khúc đang khá hút khách trên thị trường bất động sản Hà Nội khi nguồn cung luôn thiếu hụt. Cộng với các thông tin khá tốt về tính thanh khoản của dự án khiến dự án chung cư khu đô thị Thanh Hà B là một trong những điểm thu hút trên thị trường.
Một số dự án bất động sản "thổi giá" qua các kênh truyền thông.
Anh Đức - một môi giới bất động sản đang bán dự án Thanh Hà B cho biết, chủ đầu tư đã giảm giá một số căn hộ ở những vị trí không phải view đẹp. Tiền chênh mua căn hộ từ môi giới, nhà đầu tư thứ cấp cũng giảm xuống khoảng 15 – 50 triệu/căn (trước đây là 30-80 triệu đồng/căn). Hiện tại hàng ở dự án rất sẵn, căn hộ diện tích nào, vị trí nào, tầng nào đều có và giá bán cũng mềm hơn so với trước đây.Nhưng sau một tháng mở bán, thông tin rao bán căn hộ khu đô thị Thanh Hà B tràn trên web bất động sản, giá căn hộ lại giảm xuống còn từ 10,5 – 11,5 triệu đồng/căn. Dự án là hàng “hot” đã trở lại với nhu cầu thực, giá thực. Dù đây là dự án nhà ở giá rẻ nhưng vị trí khá xa với trung tâm thành phố nên chỉ thực sự phù hợp với người lao động khu vực lân cận.
Khác với dự án khu đô thị Thanh Hà B, đất nền khu vực Hoài Đức được “đẩy giá” lên nhờ Quyết định số 4926 của UBND thành phố Hà Nội (ngày 18/9/2018) về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020. Thông tin này đã nhanh chóng “hâm nóng” các phân khúc bất động sản huyện Hoài Đức, đặc biệt là đất nền.
Một môi giới nhà đất tại thị trấn Trôi (Hoài Đức) cho biết, nhà phố, nhà đất tại Hoài Đức đang tăng giá. Mảnh đất diện tích 60 m2 trên trục đường nhánh từ Quốc lộ 32 vào có giá hơn 3 tỷ đồng. Trong khi lúc chưa có thông tin huyện Hoài Đức chuẩn bị lên quận giá mảnh đất này chỉ từ 2,2 - 2,5 tỷ đồng. Giá đất thổ cư tại nhiều khu vực thuộc các xã An Khánh, Vân Canh, La Phù… đang tăng từ 2 - 3 triệu đồng/m2.
Huyện Hoài Đức là một trong những nơi có nhiều dự án chậm tiến độ, bỏ hoang của Hà Nội.
Những “hạt sạn” trên thị trường
Việc “thổi giá”, “tạo sóng” với dự án bất động sản, với các khu vực là câu chuyện không mới, nhưng vẫn diễn ra trên thị trường và kéo được không ít người lao vào vòng xoáy này. Chiêu thổi giá được sử dụng nhiều là tạo ra sự khan hiếm “ảo” đẩy tính thanh khoản lên trên mức thực tế. Để tạo được “cơn sốt ảo” này, chủ đầu tư và sàn phân phối thường đưa những thông tin “xếp hàng chờ mở bán, bán hết sau ngày đầu mở bán…” và lượng căn hộ ban đầu bán ra cũng được hạn chế.
Với chiêu tạo “sốt ảo” sẽ khiến cả người mua nhà ở thực và các nhà đầu tư lao vào với tâm lý chờ đợi còn tăng giá tiếp, thực tế sau một thời gian chính thị trường và nhu cầu thực sẽ điều chỉnh về đúng giá trị của nó.
Với sự hỗ trợ của thông tin thuận lợi trên thị trường như “huyện Hoài Đức lên quận vào năm 2020” thì các “cò” nhà đất sẽ đưa ra nhiều viễn cảnh về đầu tư, phát triển và giá bất động sản đẩy lên. Thực tế, giá bất động sản ở các khu vực mới được quy hoạch phát triển sẽ tăng theo quy luật của thị trường nhưng việc tăng “nóng” như thông tin từ các cò đất thì hoàn toàn không có cơ sở.
Bài học từ huyện Từ Liêm tách thành 2 quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm, giá đất đã “sốt” trong thời điểm chuẩn bị lên quận nhưng sau khi lên quận thị trường bất động sản khu vực này đã trầm lắng xuống và trở về với giá trị. Xét vị trí thì huyện Từ Liêm trước khi lên quận thuận lợi hơn rất nhiều so với huyện Hoài Đức. Hơn nữa, huyện Hoài Đức là một trong những nơi tập trung nhiều dự án đô thị bỏ hoang, do đó nguồn cung bất động sản ở đây đang khá dư thừa, giá nhà đất của huyện Hoài Đức những năm qua gần như đứng yên không tăng.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, thị trường bất động sản ngoài hệ thống môi giới chuyên nghiệp vẫn tồn tại những hạt sạn, đó là những “cò nhà đất”. Lực lượng này một phần làm méo mó thông tin, giá nhà đất trên thị trường khi được hỗ trợ bởi cả một số chủ đầu tư, tuy nhiên số này không nhiều và đang bị dần bị sàng lọc.
“Người mua nhà để tránh bị cuốn vào những vòng xoáy của “cơn sốt ảo” thì cần thận trọng hơn khi tìm hiểu dự án để mua nhà, việc tìm hiểu phải qua nhiều kênh thông tin, qua những địa chỉ uy tín đã xây dựng được thương hiệu. Người mua nhà cũng cần có được tư vấn pháp luật cần thiết, có thể tìm hiểu cả thông tin từ phía chính quyền về tính pháp lý của dự án” – ông Điệp nói.
Theo Cafebiz
Tags:
bất động sản
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com