Ai đã bỏ phiếu cấm xe máy khi bus mới chỉ đáp ứng 4,3% nhu cầu đi lại

Sau '90% người dân đồng tình cấm xe máy' ở Hà Nội, tới lượt TPHCM đưa ra con số 63% đồng ý hạn chế xe cá nhân. Giả thiết đó là những con số chính xác thì hãy thử hỏi điều gì sẽ xảy ra.


Cho đến thời điểm bàn chuyện cấm xe cá nhân, cả nước vẫn chưa có một tuyến đường sắt trên cao nào hoạt động (Ảnh: Tuyến ĐSTC Cát Linh đã chậm tiến độ gần 10 năm/Trần Vương)

Hùng là một thanh niên sống ở Hà Đông. Lịch trình đi xe bus của anh như sau: Sáng 5h dậy làm vệ sinh cá nhân, đi bộ khoảng 15 phút ra điểm bắt xe bus để đón xe tuyến 22 trước 6h kém 15 phút. Lý do: Chậm vài phút là đến giờ sinh viên và công nhân đi làm thì sẽ không thể chen chân lên xe được.

Sau khi xe qua cầu Chương Dương thì anh xuống bắt tiếp xe số 10, 15, 17, 42, 54 nếu may mắn thì có xe ngay còn không phải chờ 10-15 phút mới có xe đi tiếp. Hùng làm gần cầu Đuống. Ở bến xe bus cuối cùng, anh tiếp tục đi bộ khoảng 10 phút để tới được chỗ làm. Đồng hồ lúc đó thường 7h15 đến 7h30 phút.

Buổi tối, chọn tránh lúc cao điểm, Hùng thường lên xe khoảng từ 19h30 đến 20h. Lúc này đón xe buýt lâu hơn, có hôm 30 phút mới có xe. Và anh “tua ngược” lại chu trình buổi sáng để “may mắn thì về nhà trước 22h đêm”.

Khoảng cách chưa đầy 20km và mỗi ngày mất 3-4h đồng hồ đi và chờ. Cuối cùng, Hùng bỏ việc để quay lại đi xe máy.

Đó là năm 2012, chia sẻ của Hùng trên một tờ báo nhận được vô số ý kiến, một trong đó đại ý: 5-7 năm nữa sẽ khác.

Bây giờ là năm 2019, cái khác là Hà Nội có thêm các tuyến BRT “còn chạy chậm hơn xe bus thường”, tàu điện trên cao chậm tiến độ gần 1 thập kỷ, 5-7 lần lỡ hẹn đưa vào khai thác. Và hết.

63% người dân TPHCM đồng tình hạn chế xe cá nhân, trước đó là “90% người dân” ở Hà Nội.

Nhưng ngay cả khi đó là những khảo sát chính xác, ngay cả khi đó là một tiền đề đồng thuận để ban hành chính sách thì đó vẫn chỉ có ý nghĩa là một điểm khởi đầu - không hơn.

Khởi đầu để giao thông công cộng đáp ứng thuận tiện và đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân, chứ không phải đang “liên tục suy giảm”, đang “chỉ đáp ứng được 4,3% nhu cầu đi lại”- như khảo sát của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải.

Khoảng 8-8,5 triệu xe máy, 300.000 - 350.000 ôtô đang “quá sức chịu đựng cửa hạ tầng” TPHCM, nhưng khi chẳng hạn mạng lưới xe bus thành phố chỉ đáp ứng vài % nhu cầu thì đó lại là sự lựa chọn duy nhất.

Lưu ý rằng ngay cả trong 63% đồng thuận kia bao gồm gần 22% đồng ý khi giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại, tức là đồng thuận có điều kiện.

Hãy để ý đến những gì nằm sau những con số 90% hay 63%. Dường như nó thể hiện ý chí của các nhà quản lý hơn là mong muốn thật sự của người dân, những người - cho đến thời điểm “đồng tình” hôm nay không có mấy lựa chọn khả dĩ hơn là chiếc “mui trần 2 chỗ".

Theo LDO
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: giadinhtieudung@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép số 45/GP-STTTT
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Hương Nhu
Ghi rõ nguồn: giadinhtieudung.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc Hello Media
Văn phòng: Đường số 9, khu đô thị Sala,
Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Email: giadinhtieudung@gmail.com