Những điểm tương đồng thú vị của 5 tỷ phú USD Việt Nam



Danh sách tỷ phú đôla của Việt Nam có 5 người thì đến 4 doanh nhân từng kinh doanh tại khu vực Đông Âu. Bất động sản và ngân hàng là 2 ngành tập trung nhiều tỷ phú nhất.

Việt Nam có 5 đại diện với tổng tài sản là 13,6 tỷ USD góp mặt ở danh sách người giàu thế giới 2019 của Forbes. Giữa các tỷ phú USD của Việt Nam có những điểm tương đồng đáng chú ý.

Đầu tiên là học vị của các tỷ phú. Tất cả đều có học vị cao từ cử nhân, kỹ sư đến tiến sĩ. Điểm tương đồng khác là có 4 trong 5 người từng sinh sống, kinh doanh ở Đông Âu rồi trở về Việt Nam. Tỷ phú đôla khởi nghiệp trong nước duy nhất có ông Trần Bá Dương.

Về ngành nghề, có 3 doanh nhân đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và cũng có 3 người liên quan đến ngành ngân hàng.

Chân dung 5 tỷ phú đôla của Việt Nam

Ông Phạm Nhật Vượng - hạng 239

Ông Phạm Nhật Vượng sinh ngày 5/8/1968, nguyên quán Hà Tĩnh. Ông học tập tại Nga (Đông Âu) và tốt nghiệp với bằng Cử nhân Kỹ thuật Kinh tế địa chất.

Ông Vượng bắt đầu kinh doanh mì tại Ukraine từ thập niên 1990 và phát triển thành Tập đoàn kinh tế Technocom trước khi trở về Việt Nam.

Hiện ông là chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC), một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Việt Nam. Ông cũng đầu tư cho các lĩnh vực phi lợi nhuận, bao gồm chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thể thao, nghệ thuật.

Tài sản chính của ông Vượng là 27,45% vốn Vingroup, tương đương giá trị thị trường khoảng 100.000 tỷ đồng. Ông cũng sở hữu gần 93% vốn CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, đơn vị sở hữu 33,47% vốn VIC.

Trên bảng xếp hạng của Forbes, ông Vượng đứng thứ 239 với tài sản 6,6 tỷ USD. Đây là năm thứ 7 liên tiếp người đứng đầu Vingroup có tên trong danh sách này. Giá trị tài sản theo Real time (thời gian thực) của ông đã lên đến 7,8 tỷ USD.

Ông đã kết hôn và có 3 người con, hiện sống tại Hà Nội.


Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - hạng 1.008

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh ngày 7/6/1970, nguyên quán Hà Nội. Bà theo học tại Nga và có bằng cử nhân Tài chính tín dung, cử nhân Quản lý kinh tế lao động. Sau khi học ở Liên Xô, bà Thảo bắt đầu kinh doanh hàng hóa ở Đông Âu và châu Á.

Bà Thảo có ý tưởng ra mắt một hàng hàng không giá rẻ khi đang là một thương nhân. Hãng hàng không VietJet Air (VJC) được bà giới thiệu vào năm 2011 và hiện đã khai thác hơn 40% các chuyến bay của quốc gia.

Bà Thảo cũng đầu tư vào vào ngân hàng HDBank và các bất động sản. Năm 2018, Tập đoàn Sovico của bà cũng tuyên bố bắt tay thăm dò dầu khí với công ty lọc dầu Đài Loan là CPC Corp.

Tài sản công khai của bà Thảo gồm có 7,3% vốn VJC và 100% vốn công ty Hướng Dương Sunny (đơn vị sở hữu 23,8% vốn VJC). Tổng sở hữu của bà Thảo trên 31% vốn VJC, tương đương hơn 20.000 tỷ đồng. Ngoài ra, bà còn sở hữu cổ phần tại HDBank, Sovico Holdings,...

Đây là lần thứ 3 bà Thảo được Forbes xướng tên trong top tỷ phú thế giới với tài sản 2,3 tỷ USD, đứng vị trí 1.008 trên bảng xếp hạng. Ngoài ra bà cũng đứng thứ 44 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới.


CEO Vietjet là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam. Bà đã kết hôn và có 2 người con. Hiện bà ở TP HCM.

Bộ đôi Hồ Hùng Anh - hạng 1.349 và Nguyễn Đăng Quang - hạng 1.717

Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970, nguyên quán Thừa Thiên Huế, trình độ kỹ sư điện tử. Còn ông Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963, nguyên quán Quảng Trị, học vấn thạc sĩ quản rị kinh doanh và tiến sĩ vật lý hạt nhân.
Ông Quang thuộc làn sóng sinh viên Việt Nam học ở Nga và Đông Âu vào thập niên 1980. Ông Hùng Anh cũng đi du học ở Nga và sau đó trở thành đối tác kinh doanh thân thiết với ông Quang.

Hiện nay, họ cùng nhau kiểm soát 2 công ty niêm yết lớn là Masan Group (MSN) và ngân hàng Techcombank (TCB), thông qua pháp nhân CTCP Masan (Masan Corp) mà họ đồng sở hữu. Trong đó, ông Quang là Chủ tịch Masan, còn ông Hùng Anh là Chủ tịch Techcombank.

Đây là lần đầu tiên 2 doanh nhân này lọt danh sách tỷ USD của Forbes. Ông Hồ Hùng Anh hiện sống tại Hà Nội, đã kết hôn và có 3 người con. Ông Nguyễn Đăng Quang sống tại TP HCM, đã kết hôn và cũng có 3 người con.

Ông Trần Bá Dương - hạng 1.349

Ông Trần Bá Dương sinh năm 1960, nguyên quán Thừa Thiên Huế, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP HCM với bằng kỹ sư cơ khí. Ông bắt đầu làm việc tại một xưởng ôtô vào thập niên 1980 và trở thành quản lý.

Ông Dương thành lập Công ty ôtô Trường Hải (Thaco) vào năm 1997. Đến năm 2008, Jardine Cycle and Carriage đã mua cổ phần và tham gia quản trị doanh nghiệp. Thaco đến nay đã trở thành công ty xe hơi lớn nhất Việt Nam với 1/3 thị phần ô tô cả nước.

Đây là lần thứ hai Chủ tịch Thaco được Forbes liệt kê vào danh sách tỷ phú USD với tài sản 1,7 tỷ USD, đứng vị trí thứ 1.349. Năm ngoái, tài sản của vị tỷ phú này là 1,8 tỷ USD.

Ông Dương chưa sở hữu cổ phần các doanh nghiệp niêm yết. Hiện ông cùng với vợ (Viên Diệu Hoa) và công ty riêng Sản xuất Thương mại Trân Oanh là cổ đông lớn nhất tại Thaco với tổng tỷ lệ sở hữu khoảng 71% vốn. Thaco có khoảng 1,66 tỷ cổ phiếu và giá giao dịch trên sàn OTC khoảng 70.000-80.000 đồng/cp.

Thaco của ông cũng sở hữu bất động sản tại Thủ Thiêm và ông còn là Tổng giám đốc công ty địa ốc Đại Quang Minh.

Ông Dương hiện sinh sống tại TP HCM, đã kết hôn và có 2 người con. Ông được Forbes giới thiệu là người kiểm soát từng chi tiết nhỏ và thường yêu cầu các cuộc họp quản trị vào buổi tối, cuối tuần.

Theo NĐH
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: giadinhtieudung@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép số 45/GP-STTTT
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Hương Nhu
Ghi rõ nguồn: giadinhtieudung.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc Hello Media
Văn phòng: Đường số 9, khu đô thị Sala,
Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Email: giadinhtieudung@gmail.com