Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng thấp do một số dự án như Nghi Sơn gặp sự cố, Samsung vào thời kỳ chuyển đổi sản phẩm.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 5/4, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế và khu vực công nghiệp trong quý I là ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên, khu vực này chỉ tăng trưởng 12,35%, thấp hơn mức 14,3% của cùng kỳ năm 2018.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nguyên nhân tăng trưởng của nhóm chế biến chế tạo đạt thấp chủ yếu là việc các dự án lớn có đóng góp cho tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp gặp một số vấn đề. Cụ thể, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp sự cố về điện phải tạm dừng sản xuất trong tháng 2. Samsung đang ở chu kỳ chuyển đổi sản phẩm, nên sản lượng và xuất khẩu chỉ tăng nhẹ (khoảng 1,02%), thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.
"Tuy nhiên, với kỳ vọng vừa ra mắt dòng điện thoại S10, số lượng điện thoại sản xuất và xuất khẩu của Samsung sẽ tăng mạnh trong các tháng tới và Nhà máy Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn hoạt động trở lại (dự kiến khoảng đầu tháng 4 khởi động lại 100%) thì ngành công nghiệp sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới", báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ.
Samsung Galaxy S10. Ảnh: FPTshop.
Tuy mặt hàng điện thoại có suy giảm trong quý I nhưng tình hình sản xuất kinh doanh các sản phẩm điện tử nhìn chung tăng trưởng khá tốt.
Nguyên nhân do một số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp điện tử dân dụng Việt Nam tiếp tục đạt được sự tăng trưởng khá tốt trên thị trường. Báo cáo của Bộ này nhắc đến các dòng sản phẩm như tivi Asanzo và điện thoại Bphone; các dự án Vinsmart, Vintech đi vào hoạt động. Cùng với đó, Bộ cho rằng còn có vai trò của các doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất ổn định.
Ngoài ra, một số dự án lớn hoàn thành trong năm 2018 và giai đoạn đầu năm sẽ đóng góp vào tăng trưởng của ngành công nghiệp và tăng trưởng chung của nền kinh tế trong năm 2019.
Theo Bộ, đóng góp đến từ nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh sẽ phát huy hết công suất với công suất 7,5 triệu tấn/năm (năm 2018 mới huy động khoảng 4,5 triệu tấn); Thép Hòa Phát Dung Quất dự kiến đi vào sản xuất trong năm 2019, nếu huy động hết công suất sẽ sản xuất khoảng 2 triệu tấn thép.
Bên cạnh đó, các dự án ôtô Vinfast đi vào sản xuất từ tháng 4/2019 có thể sản xuất vài chục nghìn xe tùy theo thị trường; dự án nhiệt điện Thái Bình với công suất 600 MW đi vào hoạt động từ giữa tháng 1/2019; Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn/năm... cũng sẽ đóng góp cho ngành công nghiệp.
Theo Người Đồng Hành
Tags:
tin tức
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com