5 điều cần biết khi tiêm vaccine Pfizer

Vaccine Pfizer có thể gây những phản ứng sau tiêm như đau tại chỗ, kiệt sức, ớn lạnh; người mắc bệnh nền có thể tiêm song cần khám sàng lọc kỹ và tiêm ở bệnh viện.

Vaccine Pfizer được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ngày 12/6. Mới đây, Bộ phân bổ vaccine Pfizer cho TP HCM gần 55.000 liều, Hà Nội hơn 38.000 liều, Bình Dương và Đồng Nai mỗi tỉnh hơn 25.000 liều. Vaccine này hiệu quả trên 90% trong ngăn ngừa các trường hợp mắc Covid-19 nghiêm trọng và ngăn ngừa nguy cơ tử vong.

Bộ Y tế cũng cho phép tiêm trộn vaccine Pfizer mũi hai cho người đã tiêm mũi một là vaccine AstraZeneca, trong trường hợp thiếu nguồn cung và phải theo dõi sát sức khỏe người tiêm.

Phản ứng sau tiêm vaccine Pfizer

Những phản ứng thường gặp nhất ở trẻ 12-15 tuổi sau tiêm vaccine Pfizer là bị đau tại vị trí tiêm (trên 90%), kiệt sức và đau đầu (trên 70%), đau cơ và ớn lạnh (trên 40%), đau khớp và sốt (trên 20%).

Tỷ lệ người tiêm trên 16 tuổi gặp các phản ứng bất lợi thấp hơn khoảng 10% so với nhóm vị thành niên. Trong đó, đau tại vị trí tiêm (trên 80%), kiệt sức (trên 60%), đau đầu (50%), đau cơ, ớn lạnh (30%) và 20% đau khớp. Ngoài ra, người tiêm có thể bị sốt cường độ nhẹ hoặc vừa, khỏi trong một vài ngày sau tiêm.

Một số phản ứng ít gặp khác bao gồm nổi hạch, các phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, ban, mày đay, phù mạch), mất ngủ, đau chi, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm... cũng có thể xảy ra.

So với vaccine AstraZeneca mà Việt Nam đang triển khai tiêm chủng, các phản ứng đau tại chỗ và mệt mỏi sau tiêm vaccine Pfizer nhiều hơn. Tuy nhiên, các triệu chứng như sốt và rối loạn tiêu hóa sau tiêm AstraZeneca thì gặp nhiều so với Pfizer.

Biến chứng thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu sau khi tiêm vaccine AstraZeneca có tỷ lệ 4,6 trên một triệu liều tiêm thứ nhất. Còn với vaccine Pfizer, tỷ lệ này là 0,2 trên một triệu liều tiêm thứ nhất.

Ai được tiêm vaccine Pfizer?

Vaccine Pfizer hiện được chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên. Theo Bộ Y tế, thời gian tới, độ tuổi được chỉ định tiêm sẽ được cập nhật theo nguồn cung vaccine ở Việt Nam.

Người tiêm sẽ được tiêm mỗi liều 0,3 ml vào bắp. Lịch tiêm gồm hai mũi, cách nhau 3-4 tuần. Khuyến cáo hiện nay của Bộ Y tế là ưu tiên sử dụng cùng một loại vaccine phòng Covid-19 để tiêm đủ hai liều cho cùng một đối tượng.

Điều kiện bảo quản vaccine Pfizer rất nghiêm ngặt, trong điều kiện nhiệt độ âm sâu từ -90C đến -60oC, cho đến khi hết hạn sử dụng 6 tháng. Vaccine bảo quản và tiêm chủng ở tuyến tỉnh, huyện, điểm tiêm, ở 2-8 độ C, trong không quá 31 ngày.

Vaccine Pfizer ở dạng hỗn dịch đậm đặc pha tiêm. Mỗi lọ chứa 6 liều, tương đương 0,45 ml. Khi tiêm, vaccine được pha loãng với 1,8 ml dung dịch nước muối sinh lý NaCl 9‰.

Người có bệnh mạn tính như rối loạn đông máu, tăng huyết áp, thoái hóa khớp... có thể tiêm vaccine Pfizer không?

Những người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính đã điều trị ổn định phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng vaccine Covid-19 tại bệnh viện, hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu. Bạn không được tự ý ngừng thuốc đang điều trị vì lý do tiêm vaccine Covid-19. Ngày đi tiêm, bạn cần đem toa thuốc và bệnh án đang điều trị để được bác sĩ tư vấn cụ thể.
Lọ vaccine Pfizer/BioNTech tại một điểm tiêm chủng ở Pháp ngày 15/4. Ảnh: AFP.

Người đã tiêm một liều vaccine AstraZeneca, có nên tiêm liều hai bằng vaccine Pfizer? Nếu có thì khoảng cách giữa hai liều là bao lâu?

Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang xem xét đồng thuận về việc chuyển đổi giữa các loại vaccine khác nhau, trong một liệu trình tiêm chủng vaccine Covid-19. Đó không chỉ là sử dụng vaccine của hai hãng khác nhau sản xuất, mà còn là phối hợp hai cách kích hoạt phản ứng miễn dịch khác nhau, do công nghệ bào chế vaccine khác nhau. Từ đó có thể đạt hiệu lực bảo vệ tốt hơn, đồng thời tăng khả năng chống lại các biến thể của virus.

Đến tháng 6/2021, các nghiên cứu và khuyến nghị từ Ủy ban Tiêm chủng Quốc gia của Canada và một số quốc gia châu Âu (Tây Ban Nha, Đức, Anh...), cho rằng những người đã tiêm vaccine AstraZeneca liều đầu tiên có thể tiêm vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA (Pfizer, Moderna) cho liều thứ hai, trừ khi có chống chỉ định.

Khoảng cách thời gian tối thiểu giữa hai liều tiêm AstraZeneca và Pfizer có thể là 4 tuần hoặc 8-12 tuần, tùy theo nghiên cứu. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu phối hợp tiêm giữa hai loại vaccine Covid-19, khoảng thời gian giữa hai liều tiêm càng cách xa nhau (8-12 tuần) dường như sẽ giảm được các phản ứng phụ thường gặp sau tiêm chủng nhiều hơn khoảng thời gian ngắn (4 tuần).

Người đã tiêm đủ hai liều vaccine AstraZeneca có cần tiêm thêm một liều vaccine Pfizer không?

Hiện không có khuyến cáo chính thức nào từ WHO, hay Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) về việc tiêm thêm một liều nhắc (booster) sau khi hoàn tất hai liều vaccine Covid-19.

Việc theo dõi hiệu lực bảo vệ kéo dài của vaccine cho thấy thời gian bảo vệ lên đến 6-12 tháng. Thực tế những trường hợp bệnh nặng nhập viện và tử vong do Covid-19 đều là những người chưa được tiêm vaccine. Trong nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và nguồn cung ứng vaccine còn nhiều hạn chế trên thế giới, vaccine hiện nay vẫn được chỉ định với lịch tiêm tiêu chuẩn.

Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM
Bác sĩ Nguyễn Huy Luân - bác sĩ Nguyễn Hiền Minh
(Theo VNExpress)
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: giadinhtieudung@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép số 45/GP-STTTT
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Hương Nhu
Ghi rõ nguồn: giadinhtieudung.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc Hello Media
Văn phòng: Đường số 9, khu đô thị Sala,
Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Email: giadinhtieudung@gmail.com