Người bệnh thoái hóa khớp và chăm sóc sức khỏe trong mùa dịch

Thoái hóa khớp là nguồn gốc của những cơn đau mạn tính kéo dài và có thể gây ra nhiều biến chứng.

- Biến chứng tại khớp: Thoái hóa khớp làm tổn thương sụn khớp và gây đau, suy yếu gân cơ, hoại tử xương, tổn thương dây chằng, gây biến dạng khớp… làm cho người bệnh suy giảm chất lượng cuộc sống và giảm khả năng đi lại, giảm năng suất lao động, một số trường hợp nặng có thể gây tàn phế.

- Ngoài ra, thoái hóa khớp còn gây các biến chứng khác: như rối loạn giấc ngủ, lo âu, trầm cảm và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác.

    Chăm sóc sức khỏe cho người bệnh thoái hóa khớp - TS BS. Cao Thanh Ngọc khám cho người bệnh

Người bị thoái hoá khớp nên có chế độ ăn uống và sinh hoạt như thế nào để đảm bảo sức khỏe?

Không có chế độ ăn uống nào có thể tránh hoàn toàn hay chữa khỏi hoàn toàn bệnh thoái hóa khớp. Tuy nhiên, người ta nhận thấy rằng chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dưỡng chất có thể giúp cho khớp gối khỏe mạnh, làm chậm quá trình thoái hóa:

- Ăn uống cân bằng chất dinh dưỡng, không ăn quá nhiều chất béo, giảm lượng tinh bột, giảm lượng đường, giảm lượng calo thu nhập vào sẽ giúp giảm cân hoặc giữ cân nặng ở mức lý tưởng để tránh thừa cân/béo phì. Thừa cân/béo phì là 1 yếu tố làm cho bệnh thoái hóa khớp nặng lên.

- Ăn nhiều trái cây và rau củ vì những thực phẩm này chưa nhiều chất chống oxy hóa giúp làm giảm tổn thương các tế bào trong cơ thể trong đó có tế bào sụn. Ngoài ra những thực phẩm chứa nhiều vitamin C, acid béo không bão hòa cũng có thể giúp giảm viêm và giảm đau do bệnh thoái hóa khớp gây ra.

Bên cạnh chế độ ăn, người thoái hóa khớp cần có chế độ sinh hoạt – nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục đều độ tại nhà, không tập cường độ quá cao nhưng cũng tránh lối sống không vận động, phòng tránh những tư thế không đúng trong sinh hoạt hang ngày để làm giảm tải lên hệ thống cơ xương khớp.

Người bị thoái hóa khớp có nên chủng ngừa vắc xin phòng COVID-19 không và cần chú ý gì khi chủng ngừa?

Tất cả người dân nếu không có những yếu tố nguy cơ hoặc chống chỉ định của việc tiêm ngừa như dị ứng, bệnh cấp tính, suy gan, rối loạn đông máu... thì đều nên chủng ngừa COVID-19. Chủng ngừa là biện pháp hữu hiệu bảo vệ cơ thể khỏi bị bệnh nặng và giảm nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh.

Đối với những người bị thoái hóa khớp nếu đang sử dụng thuốc Paracetamol hoặc thuốc kháng viêm không steroid để giảm đau thì ngày tiêm ngừa nên ngưng thuốc, sau đó thì có thể uống lại theo chỉ định của Bác sĩ. Tất cả những thuốc khác như thuốc tăng huyết áp, thuốc đái tháo đường... người bệnh thì vẫn có thể sử dụng như bình thường.

Theo TS BS. Cao Thanh Ngọc – Trưởng khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: giadinhtieudung@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép số 45/GP-STTTT
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Hương Nhu
Ghi rõ nguồn: giadinhtieudung.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc Hello Media
Văn phòng: Đường số 9, khu đô thị Sala,
Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Email: giadinhtieudung@gmail.com