Sắp tới, sân khấu kịch IDECAF đang chuẩn bị trình làng khán giả vở kịch Ngày xửa ngày xưa 34 có tên là "Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai".
Đây là một tin khiến tất cả mọi lớp tuổi phấn khích vì Ngày xửa ngày xưa từ lâu đã là một kỉ niệm, một "người bạn đồng hành" lớn lên cùng nhiều thế hệ. Mỗi lần mở diễn, khán giả săn vé đông đúc đến nỗi chưa đến 5 phút sau là hết sạch, xếp hàng đứng trước cổng vào xem thì kéo dài ra một khu.
Và vì Ngày xửa ngày xưa có lịch bán vé khác hoàn toàn với kịch người lớn nên nếu ai chủ quan thì vuột vé khỏi tay là chuyện hoàn toàn chắc chắn.
Tuy hiện tại chưa có lịch diễn lẫn lịch bán vé, nhưng ai cũng phải chuẩn bị sẵn tâm thế săn vé kĩ lưỡng nhất để không bỏ lỡ buổi diễn hấp dẫn mà Ngày xửa ngày xưa từ trước tới nay luôn mang lại.
Ai cũng đang hào hứng và vui mừng khi thấy sự trở lại của các nhân vật quen thuộc với tuổi thơ. Video: @donnguyen_dv
Về lịch diễn:
Khán giả sẽ theo dõi và xem thông tin chính thức ở trang Facebook có tên Kịch Idecaf. Theo thông lệ hằng năm, lịch diễn sẽ được thông báo trước ngày diễn một tháng, chẳng hạn lịch sẽ vào ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 thì lịch diễn sẽ được công bố vào thời điểm tầm ngày 1/5.
Ngày thông báo lịch diễn sẽ vào thứ 6, lúc 20h00 hàng tuần.
Ngày mở bán vé: Thứ 4 lúc 19h00 sau khi thông báo lịch diễn.
Các diễn viên gạo cội quen thuộc đang tập luyện cho vở Ngày xửa ngày xưa 34. - Ảnh: Kịch Idecaf
Mua vé ở đâu?
Kênh mua vé là trang web ticketbox.vn hoặc tải ứng dụng TicketBox để đặt mua vé và thanh toán. Tuy nhiên, để tỉ lệ săn vé thành công cao hơn, mọi người thường mua trên web thay vì mua trên app điện thoại.
Đặc biệt, vé Ngày xửa ngày xưa 34 chỉ bán trực tuyến trên TicketBox chứ không bán trực tiếp ngoài phòng vé, nên mọi người bắt buộc phải đảm bảo wifi tốt để có thể nhấp mua khi vừa mở bán.
Để tránh tình trạng chợ đen gom hết các vé và bán lại với giá cao ngất trời, mỗi tài khoản chỉ mua được 8 vé.
Hình thức thanh toán sẽ bao gồm thẻ ATM nội địa, thẻ tín dụng, ví điện tử Momo. Theo nhiều người chia sẻ kinh nghiệm săn vé, hình thức thanh toán bằng Momo sẽ xử lý nhanh gọn nhất.
Ảnh: Kịch Idecaf
“Mẹo” mua vé thành công:
Số lượng người mua vé rất đông, nên bạn cần đăng nhập TicketBox trước thời gian mở bán.
Để đảm bảo mua được vé giá gốc trên TicketBox - nơi bán vé chính thức và duy nhất của Ngày xửa ngày xưa mà không phải tìm mua vé "chợ đen" bị đội lên trên trời, mọi người nên thao tác mua vé thử trên TicketBox trước khi "bắt đầu đi săn" để không phải cập rập vì khâu thanh toán khá cồng kềnh.
Nên ưu tiên săn vé suất có khung giờ diễn trễ nhất trong lịch các suất diễn được thông báo, mức độ cạnh tranh sẽ thấp hơn.
Tiếp theo, nên chọn trước các vị trí chỗ ngồi mà bạn muốn mua trước khi TicketBox chính thức mở bán, để khi bắt đầu chỉ cần nhấp nhanh chọn chỗ ngồi và đến bước thanh toán. Nếu không, bạn sẽ mất thời gian nhìn sơ đồ nhà hát như thế nào, định vị xem sân khấu ở đâu, tìm ghế như thế nào là có tầm nhìn đẹp... thì rất mất thời gian. Dù chỉ chậm hơn 1-2 giây cũng đã tuột tay khỏi suất xem.
Ảnh: Kịch Idecaf
Ngày xửa ngày xưa thường diễn ra ở Nhà hát Bến Thành, nhà hát này số ghế chia thành 2 cánh là cánh số chẵn và cánh số lẻ. Khu trệt gồm các kí tự hàng ghế từ A đến V và khu lầu bắt đầu bằng kí tự LA đến LK.
Mặc dù Nhà hát Bến Thành có cách bố trí ghế khá dễ xem, ngồi vị trí nào cũng quan sát được cả sân khấu nhưng nếu để chọn ra hàng ghế có tầm nhìn xem đẹp nhất thì chắc là khu vực giữa, các hàng ghế từ C đến J là đẹp nhất. Thông thường những ai muốn xem lại vở kịch lần 2 thì sẽ tranh chậm hơn và chấp nhận ngồi các hàng A và B, khá cận sân khấu, có thể quan sát chi tiết thay vì góc nhìn toàn bộ sân khấu.
Nếu các bậc phụ huynh săn vé cho các bé, nên cố gắng tránh lựa các vé ở khu vực lầu vì dãy ghế đầu có thể bị che tầm mắt và từ dãy LD trở về phía sau lại có tầm nhìn khá xa.
Ảnh: Lee Lee
Trường hợp cuối cùng, nếu không thể mua được vé trên TicketBox thì để thành công sở hữu vé trong tay, mọi người còn có phương án khác là mua vé nhượng lại. Vé được những người nhanh tay mua trước và không có nhu cầu đi xem vào hôm diễn, sẽ được họ rao bán lại trên các hội nhóm Facebook như Hội trao đổi vé Idecaf, We love kịch Ngày xửa ngày xưa - Idecaf... và đa phần vì đây là tấm vé "quý giá" ai cũng muốn sở hữu, mọi người thường bán lại với giá cao hơn.
Giá vé như thế nào?
Thông thường, giá vé Ngày xửa ngày xưa bán chính thức khoảng 270.000VNĐ.
Tuy nhiên, nếu mọi người mua vé nhượng lại từ người khác thì giá sẽ rất vô chừng, có khi bằng giá gốc, có khi hơn 100.000VNĐ, cũng có khi gấp đôi, gấp ba... giá vé của Ban tổ chức mở bán. Năm nay vở "Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai" được rất nhiều người mong chờ và dự đoán sẽ còn hot hơn các năm trước, thế nên mọi người hãy cân nhắc thật kĩ trước khi tìm mua vé qua trung gian vì khả năng bị lừa mua vé giả, chuyển khoản nhưng không nhận được vé gửi về, hoặc vé bị dội đến con số không tưởng.
Ngày xửa ngày xưa 33 - Ảnh: Kịch Edicaf
Trước công cuộc "đi săn", rất nhiều người là fan lâu năm của Ngày xửa ngày xưa đã bắt đầu hồ hởi lẫn kêu thán: "Canh vé còn cực hơn đăng kí học phần tín chỉ", "Canh vé còn khó hơn canh con", "Chẳng năm nào mua được vé xem sớm, năm nay chắc đợi mọi người xem hết rồi mình mới bắt đầu xem..."
Chưa có thông tin về Ngày xửa ngày xưa 34 diễn bao nhiêu suất, nhưng Ngày xửa ngày xưa 33 trước đó có 55 suất và kéo dài đến 6 tháng. Thế nên các khán giả cũng không cần phải tranh đua kịch liệt để săn được vé xem ngay các suất diễn đầu.
Theo Thể thao & Văn hóa
Tags:
giải trí
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com