Sa sút trí tuệ tuy thường gặp ở người cao tuổi nhưng không phải là một quá trình lão hóa bình thường mà là một bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị sớm.
Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) tiếp nhận điều trị trường hợp người bệnh N.T.A. (70 tuổi, ngụ tại TPHCM). Bà A. được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng gặp khó khăn khi giao tiếp, không nhớ được tên người nhà, dễ bị kích động khi nói chuyện. Tại khoa Thần kinh, bà A. được chẩn đoán mắc bệnh sa sút trí tuệ có biểu hiện rối loạn hành vi. Với trường hợp này, bác sĩ chỉ định điều trị kết hợp giữa uống thuốc làm tăng kết nối tế bào thần kinh và hướng dẫn phương pháp tập luyện nhận thức tại nhà, sinh hoạt trị liệu nhóm định kì tại bệnh viện, hướng dẫn người thân tránh các yếu tố thúc đẩy người bệnh vào cơn rối loạn như: thay đổi thời khóa biểu sinh hoạt, tránh môi trường quá nóng hoặc lạnh, đông người…. Với sự hỗ trợ và đồng hành từ phía người thân, bà A. có thể ghi nhớ nhiều hơn và không còn thay đổi tâm trạng thất thường nữa.
BS CKII. Tống Mai Trang trò chuyện cùng người bệnh đang điều trị sa sút trí tuệ bằng phương pháp kích thích não sâu
Các dấu hiệu nhận biết sớm sa sút trí tuệ
TS BS. Trần Công Thắng – Trưởng Đơn vị Sa sút trí tuệ Khoa Thần kinh BV ĐHYD TPHCM chia sẻ: “Sa sút trí tuệ là một quá trình bệnh lý khi người bệnh bắt đầu hay quên. Tình trạng hay quên tăng dần đến khi ảnh hưởng chất lượng công việc và cuộc sống nghiêm trọng thì đó là lúc người bệnh đã bước vào giai đoạn sa sút trí tuệ”. Với những dấu hiệu này, không ít người cho rằng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer là một. Quan niệm này chỉ đúng một phần vì sa sút trí tuệ là một nhóm bệnh lớn, còn Alzheimer là bệnh thường gặp nhất trong nhóm bệnh lý sa sút trí tuệ.
Theo Hội Alzheimer Canada, 10 dấu hiệu cảnh báo chứng sa sút trí tuệ gồm: mất trí nhớ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, khó hoàn thành các công việc quen thuộc, mất định hướng về thời gian và không gian, suy giảm khả năng phán đoán, suy giảm khả năng tư duy trừu tượng, đặt đồ vật sai vị trí, thay đổi tâm trạng và hành vi, thay đổi tính cách, trở nên thụ động.
Khi nhận thấy bản thân hoặc người thân có dấu hiệu của sa sút trí tuệ, người bệnh đến bệnh viện thăm khám sẽ trải qua những bước kiểm tra để xác định chính xác bệnh lý. Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi về bệnh sử người bệnh một cách chi tiết để xác định người bệnh bị suy giảm chức năng nhận thức nào. Sau đó, các kiểm tra cận lâm sàng sẽ được thực hiện để bác sĩ tìm hiểu rõ về khả năng khiếm khuyết thần kinh của người bệnh.
Kế đến, người bệnh sẽ được làm bộ test để đánh giá về chức năng trí nhớ và nhận thức. Cuối cùng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm xét nghiệm máu và chụp MRI não để khảo sát tình trạng tổn thương não. Sau khi đã có đầy đủ dữ liệu từ việc tìm hiểu bệnh sử, thăm khám cận lâm sàng, bài test, kết quả xét nghiệm máu và chụp MRI, bác sĩ có thể xác định được nguyên nhân gây sa sút trí tuệ, từ đó xây dựng được phác đồ điều trị tương ứng cho người bệnh.
Phát hiện, điều trị sớm sa sút trí tuệ
Theo BS CKII. Tống Mai Trang - Khoa Thần kinh BV ĐHYD TPHCM, việc phát hiện sớm sa sút trí tuệ gặp nhiều khó khăn vì bệnh thường diễn biến âm thầm, phải đặc biệt chú ý mới có thể nhận ra. Đó cũng chính là lý do 75% tất cả trường hợp sa sút trí tuệ không được chẩn đoán trên toàn cầu, con số này có thể lên đến 90% ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Tuy nhiên chúng ta có thể nắm bắt thời gian vàng trong phát hiện sớm sa sút trí tuệ thông qua việc phát hiện bệnh ở giai đoạn suy giảm nhận thức nhẹ - giai đoạn trung gian giữa người nhận thức bình thường và người sa sút trí tuệ. Để phát hiện được tình trạng này, người bệnh cần tầm soát sức khoẻ định kỳ. Khi đó các tế bào não chưa tổn thương lan rộng nên việc tác động làm chậm diễn tiến bệnh và kéo dài thời gian sống độc lập cho người bệnh là hoàn toàn khả thi.
Việc phát hiện và điều trị sớm sa sút trí tuệ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khi phát hiện bệnh sớm, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng các phương pháp phù hợp như: sử dụng thuốc làm tăng kết nối tế bào thần kinh, giảm các sản phẩm thoái hoá trong não người bệnh, thực hiện phương pháp tập luyện nhận thức bằng cách viết nhật ký mỗi ngày, nói chuyện thường xuyên với người thân,...
Khi người bệnh có hoạt động nhận thức, máu và quá trình trao đổi chất tăng lên. Thuốc điều trị khi ấy được hỗ trợ đưa đến vùng bệnh lý để phát huy công dụng. Tổng hợp các yếu tố trên, người bệnh sẽ nhận được hiệu quả tối ưu khi điều trị ở giai đoạn sớm.
Hiện nay khi đến thăm khám tại BV ĐHYD TPHCM, người bệnh gặp vấn đề về trí nhớ có thể đến trực tiếp Đơn vị Sa sút trí tuệ để được kiểm tra chuyên sâu. Tại đây, người bệnh sẽ được hỏi bệnh sử chi tiết và làm bộ test thần kinh - tâm lý. Dựa trên kết quả thu được về mức độ bệnh và yếu tố khiếm khuyết về mặt nhận thức của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc kết hợp tập luyện nhận thức.
Đặc biệt tại BV ĐHYD TPHCM, chương trình tập luyện theo nhóm tương ứng từng mức độ nhẹ - trung bình - nặng để người bệnh có thể gặp gỡ, sẻ chia, tránh tâm lý mặc cảm. Bên cạnh đó, BV ĐHYD TPHCM đã triển khai phương pháp kích thích từ trường xuyên sọ để ứng dụng cho người bệnh ở giai đoạn đầu. Với phương pháp này não bộ của người bệnh được kích thích kép với máy từ trường và các bộ bài tập nhận thức được áp dụng đi kèm trong quá trình chạy máy.
Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chẩn đoán và điều trị sớm sa sút trí tuệ, BV ĐHYD TPHCM thực hiện Chương trình tư vấn "Sống khỏe - Sẻ chia” với chủ đề: Tại sao cần nhận biết, điều trị sớm sa sút trí tuệ?, theo dõi tại: https://bit.ly/dieutrisasuttritue
Hương Nhu
Tags:
sức khỏe
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com