Lừa đảo bằng cách đăng thông tin khuyến cáo các thủ đoạn lừa đảo

Các trang mạng xã hội đưa thông tin khuyến cáo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến và biện pháp phòng chống để lợi dụng lòng tin của nạn nhân muốn sớm lấy lại tài sản sau khi bị lừa đảo, chiếm đoạt trên mạng.

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, tuần qua (từ 11-3 đến 16-3-2024) xuất hiện nhiều hình thức về lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam.

PLO xin gửi tới bạn đọc những hình thức lừa đảo phổ biến được cảnh báo để phòng tránh:

Lừa đảo dịch vụ thuê, cấp đổi bằng lái xe online

Thời gian vừa qua, số lượng người dân đi làm thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe tăng đột biến đã dẫn đến một số địa điểm làm thủ tục quá tải, xếp hàng dài chờ đến lượt.

Vậy nên, nhiều người dân đã tìm đến "dịch vụ" với mong muốn tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, việc thuê dịch vụ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lộ lọt thông tin, thậm chí có thể khiến người dân rơi vào bẫy lừa đảo.

Hiện nay, không khó để tìm kiếm dịch vụ cấp, đổi bằng lái xe trên mạng, mức phí cho dịch vụ này từ 400 đến 600 ngàn đồng, tùy nhu cầu.

Thậm chí, có đối tượng còn quảng cáo, khách hàng không cần đến Sở Giao thông vận tải để chụp ảnh và bên dịch vụ sẽ tự lo giấy khám sức khỏe, giấy phép lái xe sẽ được gửi về tận nhà sau khi hoàn thiện.

Đã có không ít người trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo dịch vụ thi, cấp, đổi giấy phép lái xe online. Ảnh: Cục ATTT

Khách hàng chỉ cần cung cấp cho phía làm dịch vụ bản sao một số giấy tờ cá nhân, căn cước công dân, ảnh thẻ. Nếu không cẩn trọng, việc thuê dịch vụ này có thể khiến người dân rơi vào bẫy lừa đảo.

Thực tế, phần lớn đối tượng quảng cáo dịch vụ cấp/đổi giấy phép lái xe đều không có địa chỉ thật, không có thông tin trong hệ thống đào tạo lái xe được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Đã có không ít người trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo dịch vụ thi, cấp, đổi giấy phép lái xe online. Mới đây, một người có nhu cầu học bằng lái ô tô hạng FC ở tỉnh Bắc Kạn đã bị đối tượng Lâm Thạnh Di tại An Giang lừa đảo hơn 15 triệu đồng từ việc thuê làm bằng lái xe ô tô qua mạng.

Bên cạnh việc có thể bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cũng cho biết việc cung cấp thông tin cá nhân với người lạ - như các đối tượng đổi giấy phép lái xe online có thể khiến người dân gặp một số vấn đề như: bị đánh cắp và rao bán thông tin; bị quấy rầy bởi quảng cáo rác, thậm chí bị hack mất dữ liệu.

Cảnh giác với dịch vụ làm Visa giá rẻ

Thời gian gần đây, lợi dụng nhu cầu của người xuất khẩu lao động trong giải quyết các thủ tục pháp lý, tìm nhà ở, hỗ trợ việc làm, đặc biệt là làm “Visa giá rẻ”, nhiều đối tượng đã tận dụng thời cơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn hết sức tinh vi.

Các đối tượng lừa đảo tạo lập website, tài khoản Facebook giả mạo các công ty xuất khẩu lao động uy tín, đăng tải hình ảnh đưa tiễn người lao động ở sân bay, đưa ra nhiều chương trình ưu đãi với chi phí “làm visa” chỉ bằng một nửa so với công ty chính ngạch khiến nhiều nạn nhân “sập bẫy” lừa đảo.

Các đối tượng lừa đảo tạo lập website, tài khoản Facebook giả mạo các công ty xuất khẩu lao động uy tín. Ảnh: Cục ATTT

Với kinh nghiệm 7 năm sinh sống, làm việc tại Nhật Bản, Trần Thị Kim Gương (35 tuổi, trú ấp 1, xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đã lên các hội nhóm trên mạng xã hội về xuất khẩu lao động để tìm kiếm nạn nhân phục vụ cho chiêu trò lừa đảo của mình.

Đánh vào tâm lý ham rẻ, muốn nhanh chóng, đơn giản thủ tục, đối tượng đã dẫn dụ, thường xuyên nhắn tin tương tác tạo uy tín về chất lượng dịch vụ hỗ trợ làm visa; thậm chí còn cho người lao động mượn tiền để làm thủ tục. Bằng thủ đoạn trên, mới đây, Gương đã chiếm đoạt 272 triệu đồng của một phụ nữ nguyên quán Krông Pa, Gia Lai, hiện đang lao động tại Nhật Bản.

Mạo danh Cục An ninh mạng hỗ trợ các nạn nhân lấy lại tiền bị lừa đảo

Gần đây, xuất hiện liên tục các trang mạng xã hội ghi danh Cục An ninh mạng hoặc Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để đưa thông tin khuyến cáo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến và biện pháp phòng chống; đồng thời cung cấp các dịch vụ pháp lý hỗ trợ công dân như tư vấn lấy lại tiền lừa đảo, hỗ trợ xử lý các vụ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, xuất hiện hàng loạt các trang Fanpage và hội, nhóm tự xưng là cán bộ Cục An ninh mạng và Công an một số đơn vị, địa phương, đăng tải bài viết để hỗ trợ các nạn nhân lấy lại tiền bị lừa đảo do tham gia hoạt động theo lời dụ dỗ của các đối tượng tội phạm công nghệ cao.

Các trang mạng xã hội ghi danh 'Cục An ninh mạng hoặc Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao' để lừa đảo. Ảnh: Cục ATTT

Bản chất hoạt động của các đối tượng này là lợi dụng lòng tin của nạn nhân muốn sớm lấy lại tài sản sau khi bị lừa đảo, chiếm đoạt trên mạng.

Trước thực trạng nêu trên, Bộ Công an khẳng định: Hiện tại Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao không có trang thông tin chính thức (Website, Fanpage...).

Ngoài ra, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang trong quá trình xây dựng trang thông tin chính thống có xác thực để hạn chế tình trạng giả mạo.

Giả danh cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thời gian qua, Công an TP Hà Nội liên tục cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn có nhiều người sập bẫy của các đối tượng.

Mới đây, Công an TP Hà Nội thông tin, Công an quận Đống Đa đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 150 triệu đồng.

Đối tượng yêu cầu anh D. phải kê khai tài sản để chứng minh mình không liên quan. Ảnh: Cục ATTT.

Theo đó, ngày 7-3, Công an phường Phương Liên, quận Đống Đa tiếp nhận tin trình báo của anh D. (SN 2001, trú Đống Đa, Hà Nội) về việc anh nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Đối tượng nói anh D. có liên quan đến vụ án mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền.

Đối tượng yêu cầu anh D. phải kê khai tài sản để chứng minh mình không liên quan. Do lo sợ nên anh D. đã chuyển 150 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng. Sau khi biết mình bị lừa, anh D. tới cơ quan công an trình báo.

Bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động qua mạng xã hội

Theo Cục An toàn thông tin, nhiều người dân đã nộp tiền để đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc theo Chương trình lao động thời vụ E-8 vì tin theo quảng cáo trên mạng xã hội của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ du lịch L&R ở thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này không hề có giấy phép để đưa người đi xuất khẩu lao động. Chương trình lao động thời vụ E-8 là ký kết hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Hàn Quốc.

Đây là chương trình hợp tác phi lợi nhuận do cơ quan chức năng của địa phương tổ chức triển khai thực hiện, không có sự tham gia của bất kỳ doanh nghiệp nào.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh chưa ký kết với bất cứ địa phương nào của Hàn Quốc, vì vậy người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa thể đi xuất khẩu lao động theo E-8.

Nhiều người dân đã trở thành nạn nhân vì tin theo quảng cáo trên mạng xã hội. Ảnh: Cục ATTT.

Công ty TNHH thương mại dịch vụ L&R chưa được cấp giấy phép đưa người lao động Việt Nam đi nước ngoài, vậy nên, tất cả các hoạt động tư vấn quảng cáo, thu hồ sơ và các hoạt động thực hiện đưa người lao động đi nước ngoài đều là vi phạm quy định về pháp luật lao động.

Mặc dù đã cảnh giác, tiến hành kiểm tra mã số thuế doanh nghiệp,... nhưng do hiểu biết còn hạn chế nên không biết được rằng công ty đó có được cấp phép hay không, chương trình xuất khẩu lao động có được phép hoạt động hay không nên bị mắc bẫy.

Ngoài ra, người dân hiện nay dễ ảnh hưởng bởi “hiệu ứng đám đông”, thấy đông người làm cũng theo mà không tìm hiểu kỹ .

Theo PLO
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: giadinhtieudung@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép số 45/GP-STTTT
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Hương Nhu
Ghi rõ nguồn: giadinhtieudung.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc Hello Media
Văn phòng: Đường số 9, khu đô thị Sala,
Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Email: giadinhtieudung@gmail.com