Sỏi chi chít trong thận vì thói quen nhiều người mắc phải

Do đặc thù công việc, bệnh nhân sinh hoạt qua quýt đến khi đi tiểu thấy có máu và bê vác đồ thấy đau âm ỉ hông trái thì đi khám phát hiện sỏi thận.

Thận trái chi chít sỏi

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) cho biết vừa phẫu thuật lấy ra hàng trăm viên sỏi cho một bệnh nhân nam. Người này là nhân viên siêu thị điện máy tại TP.HCM. Ngoài thời gian làm việc chính thức, anh thường xuyên tăng ca tối để vận chuyển, kiểm kê hàng nhập/xuất kho của siêu thị. Công việc bận rộn nên anh đã quen với những bữa cơm mua ngoài để ăn cho xong bữa và uống ít nước, nhịn đi tiểu trong giờ làm, chỉ đi tiểu khi bụng đau, căng tức.

Khi vận chuyển hàng hóa của siêu thị, anh thường thấy đau âm ỉ tại vùng hông dưới bên trái, đi tiểu thấy có máu. Tuy nhiên, lúc ngồi một chỗ làm việc hay đi lại nhẹ nhàng thì không đau, không tiểu máu nên anh nghĩ do ảnh hưởng của vết mổ ruột thừa 10 năm trước nên đã đến viện khám.Sỏi thận được lấy ra từ thận của bệnh nhân

Đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khám sức khỏe, các bác sĩ phát hiện thận trái anh lấp kín sỏi với đủ dạng kích thước. Nồng độ bạch cầu trong nước tiểu tăng là dấu hiệu nhiễm khuẩn đường tiểu nhưng người bệnh chưa có biểu hiện sốt, rét run. Bệnh nhân có tiền sử mổ ruột thừa, tán sỏi thận và niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang) bên phải. Trong lần khám này, do số lượng sỏi quá lớn, nên các bác sĩ đã chỉ định mổ mở.

Các bác sĩ cho biết, viên sỏi lớn nhất là sỏi san hô có nhiều nhánh, kích thước 5cm (cỡ quả trứng gà). Khoảng 5-6 viên sỏi kích thước khoảng 1cm và hàng trăm viên sỏi nhỏ hơn với đủ kích thước, hình dạng. Sau mổ 3 ngày, bệnh nhân đã dần phục hồi.

Đặc biệt, bệnh nhân này tiết lộ, sỏi thận là bệnh chung của gia đình. Các thành viên như: mẹ, cô, dì, chú, bác của bệnh nhân cũng bị sỏi thận. Sỏi tiết niệu nói chung, sỏi thận nói riêng có tính di truyền. Người có sỏi thì người thân ruột thịt của người bệnh cũng dễ bị sỏi hơn. Do đó, bệnh nhân được bác sĩ khuyên phải uống nhiều nước để tránh tái lại tình trạng bị sỏi thận.

Ngăn ngừa sỏi thận thế nào?

Sỏi thận là một khối rắn, cứng hình thành do khoáng chất hoặc muối axit kết tinh trong nước tiểu. Các kết tinh này có thể trở nên rắn và phát triển lớn hơn về kích thước theo thời gian, khiến việc đi tiểu vô cùng đau đớn. Thông thường, chất lỏng trong nước tiểu ngăn cản các chất thải tiếp xúc với nhau. Tuy nhiên, sỏi thận có thể bắt đầu hình thành khi không có đủ chất lỏng hoặc quá nhiều chất thải rắn trong nước tiểu.

Mất nước là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây sỏi thận. Tuy nhiên, một số loại thực phẩm và thói quen sống khác nhau cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh này. Thực hiện một số thói quen sau để ngăn ngừa sỏi thận:

Uống đủ nước

Theo khuyến nghị của bác sĩ, một người nên uống từ 6 - 8 cốc nước (tương đương 2 - 3 lít nước) mỗi ngày để cung cấp đủ nước cho cơ thể và phòng tránh bệnh tật.Uống đủ nước và ăn ít muối để phòng tránh sỏi thận

Không ăn nhiều muối

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị một người trưởng thành không nên ăn quá 2.300mg muối ăn vào một ngày. Lượng muối này tương đương với khoảng một thìa cà phê muối ăn. Hạn chế một số thực phẩm chứa nhiều muối như: thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp; thịt nguội hoặc hun khói; khoai tây chiên; súp hoặc mì đóng hộp…

Người có nguy cơ sỏi thận cao hoặc nồng độ oxalat cao cần hạn chế thực phẩm: nước ép bưởi và nam việt quất, khoai tây, đậu nành, rau chân vịt, củ cải, măng tây, cần tây và mùi tây, trà, một số loại hạt bao gồm hạt điều và đậu phộng, sô cô la…

Tránh tiêu thụ quá nhiều caffeine và đồ uống có đường

Caffeine làm tăng tốc độ trao đổi chất và có thể gây mất nước cho cơ thể. Người lớn được khuyến nghị không nạp vào cơ thể quá 400 mg caffeine hàng ngày, tương đương với khoảng bốn tách cà phê.

Tương tự như đồ uống có chứa caffeine, những đồ uống có đường và nước ngọt có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Đặc biệt là những đồ uống chứa sirô ngô có hàm lượng đường cao.

Duy trì cân nặng khỏe mạnh

Thừa cân hoặc béo phì có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của thận. Tuy nhiên, khi giảm cân cũng cần chú ý giảm cân từ từ, khoa học và an toàn. Ăn kiêng quá đà và ăn kiêng nhiều đạm động vật cũng có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận.

Bổ sung đủ canxi

Mặc dù canxi oxalat là hợp chất phổ biến nhất trong sỏi thận, nhưng tiêu thụ một lượng canxi vừa đủ trong chế độ ăn uống sẽ giúp giảm nguy cơ mắc sỏi. Những thực phẩm giàu canxi như: sữa và chế phẩm từ sữa, nước cam, đậu hũ…

Với người cơ địa dễ tạo sỏi hoặc có người nhà có tiền sử điều trị sỏi, cần khám sức khỏe định kỳ 12 tháng/lần để sớm phát hiện, điều trị khi sỏi còn nhỏ.

Theo Tiếp thị Gia đình
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: giadinhtieudung@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép số 45/GP-STTTT
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Hương Nhu
Ghi rõ nguồn: giadinhtieudung.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc Hello Media
Văn phòng: Đường số 9, khu đô thị Sala,
Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Email: giadinhtieudung@gmail.com