Tết Hàn thực năm 2024 vào ngày nào?

Vào ngày Tết Hàn thực, các gia đình Việt Nam thường chuẩn bị bánh trôi, bánh chay và thành kính dâng lên bàn thờ, tương nhớ tổ tiên.

Tại sao gọi là Tết Hàn thực?

Tết Hàn thực diễn ra vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm. Năm 2024, Tết Hàn thực rơi vào thứ 5 ngày 11/4 dương lịch. Theo truyền thống của người Việt, cứ vào ngày mùng 3/3 âm lịch hằng năm, mọi người lại chuẩn bị mâm lễ cúng Tết Hàn thực để dâng lên tổ tiên.

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, Tết Hàn thực còn được gọi là tết bánh trôi, bánh chay

Theo tiếng Hán, “寒 - hàn" có nghĩa là lạnh, "食 - thực" có nghĩa là ăn. Tết Hàn thực là ngày tết ăn đồ lạnh, bắt nguồn từ một phong tục rất xưa được lưu truyền cho đến ngày nay. Phong tục này liên quan đến câu chuyện của vua Tấn (Trung Quốc) Tấn Văn Công và hiền sỹ Giới Tử Thôi.

Giới Tử Thôi đã đồng hành với Tấn Văn Công trong suốt 19 năm từ thuở còn bôn ba lao khổ, trải qua nhiều gian truân, góp phần phò tá nhà vua giành được ngôi vị. Tuy nhiên, khi đã đứng trên vạn người, nhà vua quên mất công lao của Giới Tử Thôi khi bình công ban thưởng. Giới Tử Thôi cũng không nhắc nhở, im lặng lui về quê và sống ẩn dật với mẹ.

Một thời gian sau, vua nhớ ra, cho người đi tìm nhưng Giới Tử Thôi không chịu về lĩnh thưởng. Vua thấy vậy, hạ lệnh đốt rừng để ép ông phải ra mặt nhưng lại khiến mẹ con ông bỏ mạng chốn núi rừng vào đúng ngày 3/3 âm lịch. Nhà vua đau lòng, thương xót, lập miếu thờ để tưởng nhớ Tử Thôi và mẹ ông, đồng thời ra lệnh người dân hằng năm phải kiêng đốt lửa ba ngày trong dịp này, chỉ ăn đồ nguội đã chuẩn bị sẵn nhằm tưởng niệm Giới Tử Thôi. Ngày này gọi là ngày Hàn thực.

Tuy nhiên, Tết Hàn thực ở Việt Nam không liên quan đến Giới Tử Thôi mà mang ý nghĩa hoàn toàn khác, mang đậm dấu ấn dân tộc. Ngày tết này ở Việt Nam là một trong những dịp để thể hiện tấm lòng nhớ ơn ông bà tổ tiên và cội nguồn dân tộc. Con cháu cùng quây quần, nấu bánh trôi, bánh chay thành tâm dâng cúng lên bàn thờ gia tiên nhằm thể hiện lòng hiếu kính.

Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, tục ăn bánh trôi vào ngày Hàn thực ở Việt Nam có lẽ bắt đầu từ thời Lê, thịnh hành vào thời kỳ Lê Trung hưng và nhà Nguyễn. Thế kỷ 18, nhà bác học Lê Quý Đôn viết: "Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy".

Tại sao Tết Hàn thực không thể thiếu bánh trôi, bánh chay?

Vào ngày Tết Hàn thực, thời tiết bắt đầu nóng lên, chuẩn bị bước sang mùa hè, người Việt xưa đã sáng tạo món bánh trôi và bánh chay là món ăn nguội, mang tính mát, có vị ngọt thanh. Bánh trôi được làm từ bột gạo nếp, trắng trong, được nặn thành những viên nhỏ tròn đầy, bên trong có nhân bằng đường. Bánh chay cũng được làm từ bột gạp nếp nhưng nặn thành viên to hơn, dẹt hơn bánh trôi và có nhân bằng đậu xanh.Bánh trôi làm từ bột gạo nếp, bên trong có nhân bằng đường

Sử dụng bánh trôi, banh chay để cúng lễ mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, thể hiện cho văn hóa lúa nước. Cả hai thứ bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, thành quả lao động vất vả mới có được để dâng lên ông bà, tổ tiên.

Món bánh trôi, bánh chay cũng gợi nhớ đến tích truyện trăm trứng của mẹ Âu Cơ trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển. Vì thế, Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những đã khuất.

Vào dịp này, người dân không cần thiết phải chuẩn bị mâm cao, cỗ đầy để tránh lãng phí mà quan trọng là thành tâm, dâng bánh trôi, bánh chay lên bàn thờ tổ tiên và cầu nguyện một năm bình an, may mắn.

Theo Tiếp Thị Gia Đình
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: giadinhtieudung@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép số 45/GP-STTTT
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Hương Nhu
Ghi rõ nguồn: giadinhtieudung.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc Hello Media
Văn phòng: Đường số 9, khu đô thị Sala,
Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Email: giadinhtieudung@gmail.com