Bộ Y tế lần đầu cấp phép vắc xin sốt xuất huyết, tiêm mấy mũi là đủ?

Chiều 15/5, Bộ Y tế vừa ký quyết định cấp phép, gia hạn giấy đăng ký lưu hành cho 40 loại vắc xin, sinh phẩm, trong đó có các vắc xin mới được đặc biệt chờ đợi là vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết, vắc xin phòng bệnh zona thần kinh, vắc xin phòng 23 tuýp phế cầu thế hệ mới.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc cấp phép sử dụng 3 loại vắc xin này thuộc chủ trương của Bộ Y tế, hội đồng cấp phép cũng đã xem xét đánh giá về độ an toàn và tính hiệu quả của các loại vắc xin này trước khi được vào sử dụng tại Việt Nam.

PGS Trần Đắc Phu đánh giá, vắc xin sốt xuất huyết, zona thần kinh và phế cầu 23 đã được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc cấp phép tại Việt Nam là một tin rất đáng mừng cho người dân.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng cho biết, cả 3 vắc xin mới này đều được sản xuất bởi các hãng dược phẩm lớn trên thế giới là Takeda (Nhật Bản), GSK (Bỉ) và MSD (Mỹ). Hàng năm Việt Nam có hàng trăm ngàn ca nhiễm và hàng chục ca tử vong do mắc sốt xuất huyết ở trẻ em và người lớn (Ảnh: minh họa)

Các loại vắc xin mới được cấp phép là vắc xin Qdenga phòng bệnh sốt xuất huyết, vắc xin Shingrix phòng bệnh zona thần kinh và vắc xin thế hệ mới Pneumovax 23 phòng 23 chủng phế cầu khuẩn.

Cụ thể, vắc xin Qdenga phòng sốt xuất huyết do hãng dược phẩm Takeda sản xuất có hiệu lực bảo vệ hơn 80% chống lại cả 4 nhóm huyết thanh virus sốt xuất huyết, dành cho trẻ từ 4 tuổi trở lên. Lịch tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng.

Vắc xin Shingrix phòng bệnh zona thần kinh do hãng dược phẩm GSK sản xuất có hiệu lực trên 97%, dành cho người từ 50 tuổi trở lên với sức khỏe bình thường hoặc cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc zona do có tình trạng suy giảm miễn dịch. Lịch tiêm 2 mũi cách nhau 2-6 tháng.

Còn vắc xin Pneumovax 23 do hãng dược phẩm MSD sản xuất, có hiệu lực bảo vệ hơn 90%, dành cho trẻ từ 2 tuổi và người lớn với lịch tiêm một mũi.

“Việc sử dụng vắc xin sốt xuất huyết, zona thần kinh, phế cầu 23 sẽ giúp giảm số ca mắc bệnh và tử vong ở cả trẻ em và người lớn, giảm tình trạng quá tải do nhập viện và chi phí chăm sóc sau điều trị. Người dân không cần phải ra nước ngoài để tiêm các loại vắc xin tiên tiến mà được thụ hưởng ngay ở trong nước”, BS Chính đánh giá.

Hàng năm Việt Nam có hàng trăm ngàn ca nhiễm và hàng chục ca tử vong do mắc sốt xuất huyết ở trẻ em và người lớn, tuy nhiên nhiều năm qua chưa có vắc xin phòng ngừa, các biện pháp kiểm soát nguồn lây như tiêu diệt muỗi trung gian truyền bệnh còn gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê từ Bộ Y tế, năm 2023 cả nước ghi nhận hơn 172.000 ca mắc sốt xuất huyết, 43 người trong đó đã tử vong.

Sốt xuất huyết có 4 nhóm huyết thanh gây bệnh, không tạo miễn dịch chéo nên mỗi người có thể mắc bệnh 4 lần trong đời và những lần mắc sau sẽ nặng hơn do sự ảnh hưởng của các phức hợp miễn dịch chéo. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, người bệnh, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, béo phì có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê… Với phụ nữ mang thai, sốt xuất huyết có thể gây suy thai, sinh non, thai chết lưu,..

Zona thần kinh là bệnh do virus Varicella Zoster gây ra, virus này cũng là tác nhân gây bệnh thủy đậu. Bệnh để lại nhiều biến chứng cho người trên 50 tuổi và đặc biệt là người có nhiều bệnh nền như đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, bệnh lý cần sử dụng corticoid kéo dài, ung thư dùng thuốc ức chế miễn dịch, HIV, đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ mang thai.Vắc xin có thể góp phần giảm số ca tử vong do sốt xuất huyết.

Đặc biệt, sau khi các sang thương bóng nước do zona thần kinh đã lành, người bệnh còn chịu tình trạng đau đớn kéo dài, gọi là cơn đau thần kinh hậu zona (PHN), giảm khả năng lao động, ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, giấc ngủ, điều trị phức tạp, tốn kém và đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Thống kê ở Mỹ cho thấy cứ 5 người mắc thì có 1 người bị đau sau zona.

Phế cầu khuẩn là tác nhân phổ biến gây bệnh phế cầu xâm lấn nguy hiểm nhất như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, cũng như bệnh phế cầu không xâm lấn như viêm tai giữa, viêm mũi họng, viêm xoang… với tỷ lệ tử vong từ 10-20%. Bệnh đặc biệt nguy hiểm với nhóm nguy cơ cao như trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 65 tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu do đang mắc các bệnh mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đái tháo đường, lao phổi, các bệnh lý tim mạch, ung thư,... với tỷ lệ tử vong lên đến 50%.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính năm 2017, toàn cầu có 600.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong vì các bệnh do phế cầu khuẩn, chiếm 10% số ca tử vong ở độ tuổi này. Phế cầu khuẩn còn có tỷ lệ kháng kháng sinh rất cao, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Theo Tiếp Thị Gia Đình
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: giadinhtieudung@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép số 45/GP-STTTT
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Hương Nhu
Ghi rõ nguồn: giadinhtieudung.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc Hello Media
Văn phòng: Đường số 9, khu đô thị Sala,
Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Email: giadinhtieudung@gmail.com