TP.HCM: Quản lý và sử dụng thuốc vẫn còn nhiều bất cập

Cơ sở bán buôn thuốc chưa đảm bảo điều kiện bảo quản; dược sĩ phụ trách chuyên môn vắng mặt. Một số thuốc hiếm sử dụng trong cấp cứu, giải độc không được cung cấp kịp thời...

Ngày 14/6, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM đã tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố về nội dung “Công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn Thành phố”.Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố tổ chức phiên giải trình về nội dung “Công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn Thành phố”.

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, nhấn mạnh việc sử dụng thuốc trong phòng, chữa bệnh và tăng cường sức khỏe đã trở thành một nhu cầu tất yếu và quan trọng đối với đời sống con người. Theo sự phát triển của ngành dược, nhiều loại thuốc mới đã được tìm ra và nhiều loại dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo đã được khắc phục. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, sử dụng thuốc có hiệu quả và sản xuất các loại thuốc mới đã và đang trở thành một lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội.

Trước đó, từ ngày 19/4 - 7/5, Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM đã tổ chức khảo sát 7 cơ sở kinh doanh, phòng khám và 13 đơn vị.

Bao gồm một số cơ sở kinh doanh dược liệu và phòng khám đông y trên địa bàn Quận 5, một số nhà thuốc và phòng khám tư nhân trên địa bàn quận Tân Phú, UBND Quận 5, UBND Quận Tân Phú, Trạm Y tế xã đảo Thạnh an - Huyện Cần Giờ, Trung tâm Y tế Huyện Cần Giờ, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Sở Y tế TP.HCM, Sở An toàn Thực phẩm, Sở Tài chính, Sở Thông tin Truyền thông, Cục Quản lý Thị trường, Công an TP.HCM, Bảo hiểm Xã hội Thành phố.

Từ kết quả khảo sát thực tế của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM và ý kiến của người dân, theo bà Nguyễn Thị Lệ, công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thành phố trong thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa theo kịp với thực tế và nhu cầu của người dân thành phố.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ, phiên giải trình này nhằm làm rõ thực trạng công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn; cũng như phân tích những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân hạn chế; qua đó đề ra những giải pháp, cơ chế nhằm nâng cao hiệu quả về công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn TP.HCM.

TP.HCM có 43 cơ sở sản xuất thuốc, sản xuất vắcxin và sinh phẩm y tế

TP.HCM là trung tâm kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, y tế trọng điểm của Việt Nam, nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm và là đầu mối phân phối thuốc cho tất cả các khu vực trên cả nước.Theo bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thành phố trong thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa theo kịp với thực tế và nhu cầu của người dân thành phố.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu dược phẩm trên địa bàn thành phố luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế dược của cả nước.

Các nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO của thành phố (tiêu chuẩn bắt buộc đối với các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm) đã định hướng tập trung đầu tư, nghiên cứu sản xuất và sản xuất gia công các thuốc chuyên khoa đặc trị về điều trị viêm gan, ung thư, đái tháo đường, tim mạch và các chế phẩm từ máu và huyết tương.

Các cơ sở sản xuất thuốc cũng đã tiếp tục nâng cấp, xây dựng dây chuyền sản xuất theo chủ trương hội nhập với ngành dược khu vực và thế giới. Hệ thống phân phối trên địa bàn đã đảm bảo cung ứng thuốc trên toàn thành phố. Số lượng công ty phân phối rộng khắp giúp cho việc phân phối sản phẩm dễ dàng. Cơ sở bán lẻ thuốc bao phủ rộng khắp các địa bàn, kể cả các khu vực vùng sâu, vùng xa, xã đảo. Việc tiếp cận thuốc của người dân được đảm bảo.

Tại phiên giải trình, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, hệ thống khám chữa bệnh của thành phố gồm nhiều cơ sở khám chữa bệnh và đa dạng về loại hình. Các cơ sở khám chữa bệnh của thành phố có quy mô lớn với nhiều chuyên khoa đầu ngành, là tuyến cuối của khu vực phía Nam.Thành phố cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng thuốc của người dân với chất lượng và giá cả phù hợp. Ảnh tư liệu

Cụ thể, thành phố hiện có 10 bệnh viện đa khoa (8.400 giường); 22 bệnh viện chuyên khoa (13.385 giường); 12 bệnh viện bộ ngành, trong đó có các bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng (7.055 giường); 19 bệnh viện quận huyện, TP Thủ Đức và 4 trung tâm y tế có giường bệnh (5.377 giường); 67 bệnh viện tư nhân (5.794 giường); 18 trung tâm y tế, 310 trạm y tế, 8.044 phòng khám tư nhân và 39 trạm cấp cứu vệ tinh.

Năm 2022, Thành phố có 34.548.691 lượt khám chữa bệnh ngoại trú và 2.216.908 trường hợp điều trị nội trú. Năm 2023, TP.HCM có 38.517.836 lượt khám chữa bệnh ngoại trú, tăng 11,5% so với năm 2022 và 2.306.875 trường hợp điều trị nội trú, tăng 4,1% so với năm 2022.

Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, sản lượng thuốc tiêu thụ tại TPHCM chiếm 25% - 30% so cả nước. Do đó, công tác cung ứng thuốc nhằm bảo đảm nhu cầu thuốc cho điều trị là một thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành dược thành phố.

“Để công tác mua sắm, đảm bảo đủ cơ số thuốc, vật tư y tế… cung cấp cho các cơ sở y tế công lập, thành phố có thuận lợi khi trên địa bàn có 43 cơ sở sản xuất thuốc, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế, chiếm khoảng 15% tổng số nhà máy trong cả nước,” Giám đốc Sở Y tế TP.HCM phát biểu.

Bên cạnh đó là hệ thống gồm 1.512 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, cơ sở bán buôn dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu; 8.412 nhà thuốc, kệ thuốc; 357 cơ sở bản lẻ thuốc đông y, thuốc từ dược liệu; 430 khoa dược bệnh viện và trạm y tế.

TP.HCM có một hệ thống gồm 1.512 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, cơ sở bán buôn dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu; 8.412 nhà thuốc, kệ thuốc; 357 cơ sở bản lẻ thuốc đông y, thuốc từ dược liệu... Ảnh minh họa

Số cơ sở chuyên bán buôn dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu: 16; số cơ sở chuyên bán lẻ thuốc đông y, thuốc từ dược liệu: 357, được phân bố chủ yếu ở địa bàn Quận 5, Quận 11, Quận 6, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn.

TP.HCM cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của người dân

Thường trực HĐND Thành phố thống nhất kết luận, thời gian qua, UBND Thành phố, các Sở, ngành, địa phương đã có sự tập trung, quan tâm đến công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn Thành phố.

Sau đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh tất cả các ngành đều bị ảnh hưởng, trong đó có ngành dược; đối mặt nguy cơ thiếu hụt thuốc do gián đoạn nguồn cung ứng thuốc thành phẩm và nguyên liệu sản xuất thuốc. Được sự tập trung quan tâm của các cấp, các ngành, hiện Thành phố cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng thuốc của người dân với chất lượng và giá cả phù hợp. Hiện nay, tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước trong các cơ sở khám chữa bệnh của Thành phố đạt trên 50% và có xu hướng tăng dần hằng năm.

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dược lâm sàng ngày càng được chú trọng, nhằm đảm bảo việc sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh ngày càng hiệu quả; hệ thống phân phối thuốc ngày càng đa dạng và rộng khắp.

Thành phố thành lập Sở An toàn Thực phẩm, phân công trách nhiệm quản lý thực phẩm chức năng; công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc, dược liệu, thuốc đông y đã được triển khai thực hiện; bước đầu hình thành các khoa Đông y tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập, góp phần đưa thuốc đông y vào chăm sóc sức khoẻ người dân.

Quản lý và sử dụng thuốc vẫn còn nhiều bất cập

Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn Thành phố thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.

Từ ngày 19/4 - 7/5, Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM đã tổ chức khảo sát 7 cơ sở kinh doanh, phòng khám và 13 đơn vị. Nguồn internet

Tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, công tác tập huấn, triển khai các quy định pháp luật đến nhân viên của các cơ sở này chưa được thực hiện thường xuyên. Một số trường hợp cơ sở bán buôn thuốc chưa đảm bảo điều kiện bảo quản, kinh doanh thuốc không đúng phạm vi được cấp phép; tình trạng dược sĩ phụ trách chuyên môn vắng mặt, bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc tại cơ sở bán lẻ thuốc còn phổ biến.

Ghi nhận qua khảo sát của Ban VH-XH, công tác cung ứng thuốc có lúc chưa được quan tâm nhằm đảm bảo cung ứng thuốc chủ động, kịp thời, đầy đủ thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả với chi phí hợp lý còn hạn chế. Còn tình trạng gián đoạn nguồn cung ứng thuốc xảy ra vào một số thời điểm, đặc biệt là các thuốc hiếm, thuốc dùng trong phòng chống dịch bệnh, vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.

Việc xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu đối với các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn Thành phố chưa thống nhất và có sự kết nối giữa sở, ngành và địa phương; việc cung cấp danh sách các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dược đã được cấp phép giữa Thành phố và quận, huyện chưa kịp thời, gây khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý.

Công tác hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thuốc đông y chưa được quan tâm đầy đủ; việc xây dựng và phát triển các tuyến phố đông y gắn với phát triển du lịch gặp nhiều khó khăn.

Công tác quản lý đơn thuốc bán lẻ tại hệ thống các nhà thuốc, cơ sở kinh doanh thuốc nhằm theo dõi việc sử dụng thuốc của người dân chưa hiệu quả. Việc kê đơn và bán đơn thuốc bằng hình thức điện tử đã được triển khai, cơ sở vật chất và nhân lực đáp ứng, tuy nhiên số lượng đơn thuốc được tiếp nhận qua liên thông dữ liệu còn thấp. Các sở, ngành địa phương chưa thực hiện nghiêm công tác xử lý cơ sở vi phạm.

Công tác đấu thầu, mua sắm thuốc còn nhiều vướng mắc

Theo kết luận của Thường trực Hội đồng nhân dân, hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh còn nhiều vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc. Sở dĩ gặp khó khăn trong đấu thầu vì nhu cầu một số loại thuốc ít, chưa tổ chức đấu thầu đối với dược liệu, nên việc thanh toán BHYT chỉ dừng lại ở thuốc đông y thành phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh chưa sử dụng dược liệu trong điều trị đông y; kiến thức đấu thầu mua sắm thuốc của một số cán bộ còn hạn chế.

Một số thuốc hiếm sử dụng trong cấp cứu, giải độc không được cung cấp kịp thời. Nhiều bệnh viện không dám mua vì giá thành cao và ít sử dụng đến.

Danh mục thuốc tại các trạm Y tế chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; một số hoạt chất mới không được cập nhật kịp thời vào danh mục BHYT, gây khó khăn; người bệnh phải tự chi trả 100%…

Việc cấp và thanh toán BHYT cho người dân vùng An toàn khu theo Chỉ thị 14 /CT-TTg ngày 24/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện.

Công tác quản lý chất lượng thuốc, dược liệu, thực phẩm chức năng

Việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang mạng xã hội hiện nay còn tràn lan, sai sự thật. Việc kiểm tra chất lượng thực phẩm chức năng; kiểm nghiệm thực phẩm chức năng có chứa dược liệu còn nhiều khó khăn. Thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ còn lưu hành trên thị trường; tỷ lệ thực phẩm chức năng vi phạm về chất lượng hàng năm còn cao, chiếm 7 - 8%/tổng số mẫu được kiểm tra…

Còn trường hợp cơ sở kinh doanh dược bán thuốc, dược liệu không có hóa đơn, chứng từ, không có hạn sử dụng (đối với dược liệu). Việc giám sát và truy xuất nguồn gốc dược liệu hiện nay còn chưa đảm bảo; còn tình trạng cơ sở kinh doanh dược liệu, vị thuốc cổ truyền không đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc xuất xứ; còn tình trạng thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm về nhãn mác, tem phụ, sổ sách ghi chép ….

Một số cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn Thành phố chưa niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết theo quy định; có sự chênh lệch giá công khai trên Website và giá bán thực tế. Số lượng thuốc tham gia chương trình bình ổn giá chưa nhiều và chủ yếu là thuốc thông thường, có xu hướng giảm qua các năm.

Theo Khoa Học Phồ Thông
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: giadinhtieudung@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép số 45/GP-STTTT
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Hương Nhu
Ghi rõ nguồn: giadinhtieudung.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc Hello Media
Văn phòng: Đường số 9, khu đô thị Sala,
Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Email: giadinhtieudung@gmail.com