Chưa có ý nghĩ gì về việc nghỉ hưu
Anh Quý Hoàng (50 tuổi) ở Gia Lâm, Hà Nội cho biết, ít nhất khoảng 8 năm nữa, con trai út học xong đại học, vợ chồng anh cũng sẽ bớt trách nhiệm, nhưng trong đầu anh vẫn chưa có ý nghĩ gì về việc nghỉ hưu.
Hiện nay tài sản của anh tích luỹ chủ yếu ở công việc kinh doanh, bất động sản, và chứng khoán, cũng có thêm ở các kênh khác như tiền mặt, vàng, nhưng chiếm tỷ trọng không lớn. Dù có nền tảng tài sản cũng khá tốt, nhưng anh Hoàng vẫn có nhiều lo lắng cho tài chính gia đình bởi công việc kinh doanh du lịch thu nhập cũng không đều đặn, các kênh đầu tư thêm như chứng khoán, bất động sản, nguồn thu theo từng đợt. Bản thân 2 vợ chồng cũng không tham gia BHXH.
Theo anh Hoàng, 10 năm nữa chi phí cũng sẽ rất khác, chưa kể những biến cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào, sức khoẻ bản thân giảm sút, là những nguy cơ mà anh nhận thấy được khi về già. Đồng thời bản thân vợ chồng anh cũng mong muốn giữ tiêu chuẩn sống như hiện tại khi nghỉ hưu.
“Có người đề cập đến mới giật mình quan tâm, trong đầu chưa có bất kỳ ý nghĩ nào, đơn giản là đến lúc nào không làm được nữa thì nghỉ, chứ chưa từng có một kế hoạch nào mang tên hưu trí”, anh Hoàng nói thêm.
Tương tự, khi được hỏi về kế hoạch hưu trí, anh Hoàng Anh, 48 tuổi ở Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng lắc đầu cho hay, chưa có bất kỳ ý nghĩ nào. Lập gia đình muộn, con trai mới có 6 tuổi, vẫn đang phải phụng dưỡng bố mẹ, nên trong đầu chỉ nghĩ rằng, mình cứ làm ăn, kinh doanh, kiếm tiền để phục vụ cho những trách nhiệm của bản thân. 2 vợ chồng đều làm tự do và không có tham gia bảo hiểm xã hội.
“Tôi chưa có kế hoạch nào cả, tài sản thì đang nằm ở phần nhiều là đất đai và công việc kinh doanh, con vẫn còn nhỏ, nên chỉ nghĩ tạo ra thu nhập hàng tháng, chăm sóc gia đình, tự thưởng cho bản thân bằng những đam mê như du lịch, chơi golf, còn lại cuộc sống thuận theo tự nhiên, đến đâu hay đến đó, có 2-3 miếng đất coi như để giưỡng già”, anh Hải chia sẻ thêm.
Theo chị Mai Hà (48 tuổi) ở Đà Nẵng, trước đây chị có đi làm ở công ty và tham gia bảo hiểm xã hội được 14 năm. Cách đây mấy năm, chị nghỉ công việc và ra làm tự do. Năm 2023, chị đi rút bảo hiểm xã hội một lần, nhưng chỉ rút được 8 năm. Nay chị Hà bắt đầu tham gia lại bảo hiểm tự nguyện, đóng tiếp tục để có khoản tài chính cho việc nghỉ hưu.
Khi được hỏi về kế hoạch hưu trí, chị Hà cũng chưa có một kế hoạch chuẩn bị nào, ngoài 1 khoản tiền mặt và vàng tiết kiệm.
“Lúc đầu thì cho rằng đi làm công ty, tham gia bảo hiểm xã hội để dành cho nghỉ hưu. Nhưng biến cố trong công việc nên phải nghỉ làm, nay mới bắt đầu tham gia lại bảo hiểm xã hội tự nguyện. Chỉ có vậy thôi, còn lại chưa hình dung ra lúc nghỉ hưu sẽ như thế nào”, chị Mai Hà tâm sự.
Tâm lý chung của hầu hết người Việt khi được hỏi đều mong muốn an nhàn lúc hưu trí, nhưng có một nghịch lý là chỉ hơn 28% người Việt được hỏi có kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc sống độc lập tài khi về già, nghiên cứu được thực hiện bởi viện Y học – Xã hội. Và trong đó, tài chính là yếu tố khiến nhóm tuổi 40-55 cảm thấy thiếu tự tin và lo lắng nhất.
50 mới bắt đầu thì có quá muộn?
Theo nhận định của ông Nguyễn Thành, chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân, với những người làm kinh doanh tự do, độ tuổi nghỉ hưu không theo quy định của nhà nước, hoàn toàn có thể chọn độ tuổi nghỉ ngơi theo mong muốn, tuỳ thuộc vào nền tảng tài chính, trách nhiệm tài chính và tiêu chuẩn sống mong muốn.
50 cũng là độ tuổi mà với đa phần người lao động, thu nhập sẽ giảm sút, khả năng tăng trưởng thu nhập cũng thấp, trong khi tuổi già đến chi phí phát sinh sẽ rất lớn. Chính vì vậy mà một kế hoạch hưu trí trong dài hạn là rất cần thiết để có thể bảo vệ được tiêu chuẩn sống cho 20,30 năm sau hoặc lâu hơn nữa.
Trước tiên cần phải đặt cho mình một mốc thời gian mục tiêu cho việc bắt đầu nghỉ ngơi, có thể là 55 tuổi, 60 tuổi. Thứ hai, là rà soát lại toàn bộ danh mục tài sản và dòng tiền thu nhập đang có, xem tỷ trọng đã phù hợp với mục tiêu sinh lời hay cho việc nghỉ hưu hay chưa. Thứ 3, tính toán được nhu cầu tài chính khi nghỉ hưu, bao gồm chi phí sinh hoạt, chi phí về chăm sóc sức khoẻ, chi phí hưởng thụ, tài sản thừa kế để lại cho con cháu… Từ đó cần phải có kế hoạch phân bổ tài sản trước và sau khi nghỉ hưu.
Cũng theo ông Thành, đây là độ tuổi phù hợp để hoạch định cho một kế hoạch hưu trí trong dài hạn. Giai đoạn này thường cũng đã bớt gánh nặng trách nhiệm với con cái khi chúng trưởng thành và đã tích luỹ được một lượng tài sản nhất định.
“Điều quan trọng là cần lên mục tiêu, rà soát lại toàn bộ tài sản đang có để lên kế hoạch hưu trí chi tiết, lâu dài. Một lưu ý nữa là cần phải quan tâm đến yếu tố thời gian. Nếu thấy cần thiết phải có một bức tranh tài chính cho dưỡng già, muốn bảo vệ tiêu chuẩn sống thì bắt đầu ngay, càng sớm càng tốt. Sẽ giúp cho việc rút ngắn thời gian tích luỹ, trong khi thời gian nghỉ hưu thì không thay đổi”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Tiễn sĩ Đỗ Thị Thu, Giảng viên chính khoa Kinh tế (Học viện Ngân hàng) cho biết, thống kế cho thấy tại Việt Nam hiện nay có tới 77,39% lao động phi chính thức không thuộc diện nghèo, nhưng cũng chưa được bao phủ BHXH.
“Với tính chất bấp bênh trong công việc và thu nhập, cũng như tính chất rủi ro, do không được đảm bảo an toàn lao động (không ký kết HĐLĐ), những lao động phi chính thức này có nguy cơ bị rớt xuống nhóm lao động nghèo tạm thời trước các cú sốc kinh tế - xã hội. Đặc biệt, ở độ tuổi gần 50, mà chưa tham gia hệ thống BHXH, họ cũng rất dễ bị lọt khỏi lưới an sinh xã hội khi Chính phủ thực hiện các chính sách hỗ trợ khẩn cấp”, Tiến sĩ Thu nói thêm.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, thực tế hiện nay có một thế hệ "Baby Boomer" của Việt Nam sinh từ khoảng 1960 - 1980, đã và sẽ đến độ tuổi hưu trí. Nếu không được bao phủ bởi Bảo hiểm xã hội thì rất có thể sẽ là gánh nặng cho an sinh xã hội nếu có rủi ro tài chính xảy ra.
Thứ nhất, cần phải cân nhắc việc bổ sung ngay Bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu độ tuổi còn kịp để hưởng lương hưu theo Luật BHXH. Ví dụ, 50 tuổi có thể tham gia ngay BHXH tự nguyện liên tục cho đến khi đủ 10 năm đóng BHXH, sẽ được đóng tiếp một lần cho 10 năm còn thiếu để hưởng lương hưu.
Thứ 2, cần xem xét các phương án bảo vệ tài chính như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ, bởi độ tuổi này thường sẽ phát sinh các chi phí y tế, chăm sóc sức khoẻ. Thứ ba, lập kế hoạch tài chính cho việc nghỉ hưu trong dài hạn, tuỳ theo tình hình tài chính, nhu cầu mức sống và trách nhiệm tài chính bao gồm khoản tiết kiệm, đầu tư, hay chuyển đổi sang các danh mục tài sản an toàn...
"Theo dự báo đến năm 2029, tại Việt Nam có chưa tới 4 người đóng BHXH để chi trả cho 1 người. Đây là một nguy cơ lớn trong tương lai và người dân cần phải có kế hoạch tài chính cho việc này, đặc biệt là nhóm tuổi 40-55", vị chuyên gia tài chính nhấn mạnh.
Theo Vietnamfinance
Tags:
gia đình
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com