Bảo hiểm được xem như là “tấm khiên” để bảo vệ tài chính cho các hộ gia đình. Có lẽ vì thế mà thị trường bảo hiểm ngày càng đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu phù hợp với nhiều người dùng. Tuy nhiên, chính điều đó cũng khiến cho nhiều người băn khoăn, không biết nên mua gói bảo hiểm cho cả gia đình như thế nào để có nhiều quyền lợi.
Đầu tiên cần phải có BHYT
Đây là loại hình bảo hiểm do cơ quan Nhà nước tổ chức thực hiện nhằm mục đích chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và không vì lợi nhuận. Theo đó, các thành viên có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của gia đình, khi tham gia loại bảo hiểm này sẽ được khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế thông qua thẻ bảo hiểm y tế được cung cấp. Thẻ BHYT hộ gia đình thường có hiệu lực là 1 năm và sẽ được cấp lại trong năm tiếp theo nếu đóng phí đúng hạn. Có thể thấy quyền lợi của mỗi người khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế là độc lập và bình đẳng với nhau.
Hiện nay, bảo hiểm y tế đã có chính sách thông tuyến tỉnh, ví dụ trong trường hợp điều trị nội trú tại bệnh viện mà cùng 1 cấp tỉnh quản lý, thì được hưởng mức quyền lợi 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi của thẻ BHYT.
Bà Mai Kim Thanh (65 tuổi) ở Thái Nguyên cho biết, vừa rồi mổ cột sống tại bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội. Tổng chi phí cả đợt điều trị là gần 40 triệu, BHYT chi trả trong phạm vi lên đến 32 triệu đồng.
“Rất may có BHYT của nhà nước, tôi chỉ phải nộp thêm có 1 chút viện phí, đỡ phải lấy tiền tiết kiệm”, bà Thanh cho biết thêm.
Dư giả mua thêm Bảo hiểm sức khoẻ
Bảo hiểm sức khỏe là một loại hình bảo hiểm tự nguyện mà người tham gia tự trả tiền để đăng ký và được hỗ trợ về mặt tài chính khi không may mắc các bệnh, chấn thương hoặc tử vong. Chúng thường được cung cấp bởi các công ty bảo hiểm hay tổ chức tài chính và có hiệu lực trong vòng 1 năm, sau đó sẽ tái tục. Người tham gia bảo hiểm sức khỏe tự nguyện thường có nhiều lựa chọn về gói bảo hiểm, phạm vi bảo vệ và cấp độ bảo vệ khác nhau. Điều này giúp người tham gia có sự linh hoạt và lựa chọn phù hợp với nhu cầu sức khỏe của bản thân và gia đình.
Lưu ý, một số hãng bảo hiểm, nếu đăng ký bảo hiểm cho trẻ em, bố hoặc mẹ phải tham gia kèm theo, tuy nhiên đây là những hợp đồng bảo hiểm độc lập và quyền lợi của từng người được tách rời.
Theo chị Đào Lan Hương, một tư vấn viên bảo hiểm kinh nghiệm 7 năm, 1 số gói bảo hiểm sức khoẻ hiện nay thực tế phí còn thấp hơn tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, loại hình lại cũng có những nhược điểm nhất định.
Thứ nhất, thiếu tính ổn định khi năm nay mà dùng nhiều quyền lợi thì năm sau tái tục, nhà bảo hiểm hoàn toàn có quyển từ chối cấp hoặc tăng phí. Thứ hai, chỉ có giới hạn nhất định theo mức quyền lợi mà người tham gia lựa chọn, nếu không may người mua dùng nhiều hơn mức quy định thì vẫn phải bỏ tiền túi để chi trả.
Để lựa chọn BHYT hay BHSK rời thì người tham gia cần căn cứ vào nhu cầu, thói quen, sử dụng dịch vụ y tế, mong muốn dùng dịch vụ y tế ở viện công hay tư và yếu tố sức khoẻ.
“Nếu phải chọn thì tuỳ theo những điều kiện nêu trên, còn có điều kiện thì nên có cả 2. BHYT chi trả bao nhiêu, còn lại BHSK sẽ chi trả theo hạn mức người tham gia đã chọn”, chị Hương nhấn mạnh.
Về lâu dài cân nhắc bảo hiểm nhân thọ
Loại hình bảo hiểm này có tính dài hạn và được thiết kế để đảm bảo sự ổn định tài chính cho người được bảo hiểm hoặc gia đình của họ trong trường hợp xảy ra sự kiện không may như bệnh tật, tai nạn hay tử vong…
Khi một người tham gia bảo hiểm nhân thọ, họ sẽ ký kết hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm và cam kết đóng một khoản tiền bảo hiểm theo định kỳ. Trong trường hợp người được bảo hiểm qua đời hoặc kết thúc thời hạn bảo hiểm, người thụ hưởng sẽ được trả một khoản tiền bảo hiểm do công ty bảo hiểm cam kết trong hợp đồng, có thể là 15 năm, 20 năm hoặc lâu hơn.
Chị Nguyễn Mai Phương (38 tuổi), một tư vấn viên bảo hiểm độc lập cho biết, bảo hiểm nhân thọ có chi phí cao hơn nhiều so với 2 loại hình BHSK hay BHYT, tuy nhiên hạn mức bảo vệ đi kèm cũng cao, và thường chi trả cho những rủi ro lớn.
Nếu có điều kiện tài chính, khi mua bảo hiểm cho gia đình, nên lựa chọn một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho từng thành viên với kế hoạch và mục tiêu chăm sóc sức khỏe cụ thể. Tuy nhiên, khi tài chính chưa cho phép, bạn vẫn có thể tham gia vào cùng một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với người được bảo hiểm chính là trụ cột của gia đình và những thành viên khác là người được bảo hiểm phụ. Điều này giúp bảo vệ cả gia đình khỏi các rủi ro trong cuộc sống và tiết kiệm được chi phí đóng bảo hiểm, cùng với việc tích lũy và đầu tư để chuẩn bị cho tương lai của gia đình.
"Đầu tiên là BHYT, thứ 2 là bảo hiểm nhân thọ (BHNT) kèm quyền lợi y tế bổ sung, và tiếp đến là bảo hiểm sức khoẻ. Nếu có khả năng tài chính tốt thì hoàn toàn có thể sở hữu tất cả các loại hình này”, chị Phương tư vấn thêm.
Các chuyên gia tài chính cá nhân cho rằng, bảo hiểm dù là loại hình nào thì chức năng cũng là bảo vệ tài chính. Việc lựa chọn gói bảo hiểm cho cả gia đình là quyết định vô cùng quan trọng vì nó liên quan đến sức khỏe và tài chính của cả gia đình bạn.
Thứ nhất, cần xác định rõ nhu cầu, mong muốn của gia đình, bao gồm số lượng thành viên, tuổi tác, tài chính và các yêu cầu chăm sóc sức khỏe, tham gia cho ai trước. Điều này giúp bạn dự toán được chi phí và chọn được gói bảo hiểm phù hợp với mức độ bảo vệ cần thiết cho sức khỏe của các thành viên .
Thứ hai, tham khảo từ 2-3 phương án của các hãng bảo hiểm khác nhau để thấy rõ được ưu nhược điểm của từng bên, đồng thời yêu cầu tư vấn đưa ra so sánh một cách tường minh các phương án.
Thứ ba, đọc kỹ các điều khoản và điều kiện loại trừ, các quy định về phạm vi bảo hiểm, hạn chế và các loại bệnh không được bảo hiểm là bắt buộc.
Thứ 4, xem xét uy tín của nhà cung cấp, để đảm bảo rằng bạn đang mua được sản phẩm bảo hiểm chất lượng và có thể bảo vệ tài chính của gia đình trong trường hợp xảy ra sự cố. Theo đó, có thể đánh giá uy tín của các nhà cung cấp dựa trên các yêu tố như lịch sử hoạt động, các đánh giá và phản hồi của khách hàng, danh sách các đối tác…
Và cuối cùng, cân nhắc chi phí rằng mức tiền mình bỏ ra hàng năm đã đúng với nhu cầu, mong muốn, mục tiêu của gia đình hay chưa, số tiền bỏ ra như vậy được tích luỹ bao nhiêu, phí rơi là bao nhiêu. Ngược lại, nếu mức phí hợp lý nhưng bảo hiểm không cung cấp đầy đủ các dịch vụ và quyền lợi mà gia đình mong muốn, thì việc đóng phí có thể sẽ không mang lại nhiều giá trị.
“Tham gia bảo hiểm là để an tâm, có tấm khiên bảo vệ tài chính cho gia đình, chứ không nên trở thành gánh nặng. Chỉ nên dành tối đa 10% thu nhập cho kế hoạch bảo vệ này”, một vị chuyên gia tài chính khuyến nghị.
Theo Vietnamfinance
Tags:
tiêu dùng
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com