Những loại rau chứa độc tố bạn nên tránh ăn

Rau, củ là những thực phẩm lành mạnh cho sức khỏe, nhưng có một số loại lại ẩn chứa độc tố nguy hiểm nếu chúng ta không biết cách ăn.

Dưới đây là một số loại rau chứa độc tố bạn không nên ăn để tránh gây hại cho cơ thể:

Giá đỗ không rễ

Bài viết trên trang Ngoisao.net cho biết, giá đỗ giá trị dinh dưỡng cao, là loại rau phổ biến trên bàn ăn. Tuy nhiên giá đỗ không có rễ thì tuyệt đối tránh mua. Trong quá trình sản xuất loại giá đỗ này, ngoài một lượng lớn nguyên liệu hóa học như chất kích rễ, chất bảo quản, người trồng có thể còn sử dụng các nguyên liệu hóa học độc hại như bột tẩy trắng, chất giữ tươi, khiến chúng chứa nhiều độc tố bên trong.

Đậu đũa

Đậu đũa là họ nhà đậu nên giàu protein thực vật, chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu khác như ka-li, can-xi, ma-giê, phốt-pho, sắt, natri, kẽm, đồng, mangan và selen.

Đậu đũa có hàm lượng lectin, chất độc nguy hiểm nếu ăn sống. Lectin sẽ tích tụ trong cơ thể gây ngộ độc với các biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, xây xẩm mặt mày, tình trạng nặng dẫn đến choáng ngất, thậm chí tử vong. Tuy nhiên khi nấu chín, chất này sẽ bị phân hủy, không còn gây nguy hại.

Nấm tươi

Nguyên liệu tươi là món khoái khẩu của nhiều người sành ăn. Tuy nhiên, cách ăn nấm không giống nhiều loại rau củ quả. Nấm tươi chứa chất Porphyrin nhạy cảm với ánh sáng, có thể gây ngứa da, phù nề, nặng thì hoại tử da khi tiếp xúc với ánh nắng sau khi ăn.

Nấm sẽ phân hủy phần lớn porphyrin trong quá trình được phơi khô. Trước khi ăn, ngâm nấm khô trong nước, porphyrin còn lại sẽ bị hòa tan. Cần lưu ý khi ngâm nấm khô, bạn phải thay nước nhiều lần, tốt nhất không ngâm quá hai tiếng, tránh ngâm lâu sẽ khiến vi khuẩn phát triển.

Bí ngô để lâu

Bí ngô có hàm lượng đường cao, nếu để lâu cùi sẽ bị phân giải kỵ khí, sau khi ăn có thể gây ngộ độc, biểu hiện là chóng mặt, buồn ngủ, suy nhược toàn thân, nôn mửa nhiều, tiêu chảy. Nếu bí bị thối sẽ có mùi như mùi rượu chứng tỏ nó đã bị biến chất, không nên ăn.

Măng

Măng chứa độc chất gọi là cyanogen glucosides, có thể gây tê miệng, chóng mặt, nôn mửa, khó thở, thậm chí co giật, hôn mê và ngừng tim. Đặc biệt những người mắc bệnh hen suyễn, viêm phế quản mãn tính, bệnh ngoài da, khả năng miễn dịch kém, dị ứng rất dễ gặp các triệu chứng khó chịu khi ăn măng.

Măng sẽ không dễ gây ngộ độc nếu chúng được xử lý đúng cách: Đầu tiên, bạn bóc bỏ lá măng, bỏ rễ rồi thái thành lát mỏng, đun sôi trong nước muối nhạt khoảng 10 phút để loại bỏ hầu hết chất độc. Không ăn măng tươi hoặc nấu chưa chín kỹ để phòng ngộ độc.

Đậu cove

Báo điện tử Vietnamnet dịch lại bài trên trang Aboluowang cho biết, trong đậu cove có độc tố saponin, nếu không được nấu chín, chất saponin trong đậu sẽ kích thích mạnh hệ tiêu hóa. Đậu cove còn chứa nitrite, trypsin, có thể kích thích dạ dày, gây ngộ độc thực phẩm và các triệu chứng viêm đường tiêu hóa. Đậu cove có thể chế biến món xào hoặc luộc, tuy nhiên trong quá trình nấu nhất định phải chín kỹ.

Cà chua xanh

Cà chua vị chua ngọt, ít đường, giàu vitamin, có thể ăn sống. Nhiều người không biết rằng cà chua chưa chín không ăn được. Nó có vị đắng và có thể gây buồn nôn, nôn mửa và các triệu chứng ngộ độc khác. Điều này do cà chua chưa chín chứa solanine, một thành phần có thể gây ngộ độc.

Sắn

Sắn cung cấp nhiều tinh bột, song các chuyên gia cảnh báo nó sẽ gây hại đến sức khỏe nếu không biết cách chế biến. Sắn sống chứa glucosides cyanogenic kích thích sản xuất chất hydrogen cyanide rất độc. Một người ăn 150 đến 300 gram sắn sống, nó có thể gây ngộ độc và thậm chí tử vong.

Khi chế biến nên lột hết vỏ sắn rồi ngâm vào nước (nước vo gạo càng tốt). Khi luộc mở nắp nhiều lần để chất độc bay hơi bớt, nếu thấy có vị đắng nên bỏ đi.

Khoai tây nảy mầm

Khoai tây là loại thực phẩm phổ biến với người Việt, tuy nhiên trong củ khoai tây có thành phần độc hại là solanine. Toàn bộ cây đều chứa độc tố này, nhưng hàm lượng của mỗi phần là khác nhau, đặc biệt là có rất nhiều trong khoai tây nảy mầm.

Chất này khi ăn vào cơ thể sẽ gây ra ngộ độc nhanh chóng với các biểu hiện như cứng lưỡi, thanh quản tê liệt, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, nóng rát dạ dày và các triệu chứng khác. Nếu như bạn gọt bỏ mầm mọc trên củ khoai, chất độc vẫn còn lưu lại trong phần còn lại, có thể sẽ gây ngộ độc ở một mức nhẹ hơn, giống như cảm giác trúng gió.

Để ngăn ngừa ngộ độc khoai tây, khi thấy rằng phần nảy mầm hoặc thịt có màu đen và xanh, tốt nhất không nên ăn.

Mộc nhĩ tươi

Mộc nhĩ tươi có chứa chất porphyrin - chất nhạy cảm ánh sáng. Sau khi ăn mộc nhĩ tươi, cơ thể có tiếp xúc với ánh sáng sẽ gây viêm da, ngứa, phù nề, trầm trọng có thể gây hoại tử da. Để bảo vệ sức khỏe mọi người không nên ăn mộc nhĩ khi còn tươi.

Cà tím

Cà tím chứa solanine một chất làm giảm hiệu quả hấp thụ canxi của cơ thể. Lượng solanine trong cà tím già chưa chín tương đối cao, rất dễ ngộ độc.

Solanine cơ bản không tan trong nước, do đó dùng các phương pháp như nấu canh, luộc... đều không thể loại bỏ được solanine. Khi nấu cà tím nên thêm một chút dấm ăn để hỗ trợ giúp phá vỡ, phân giải solanine.

Rau chân vịt

Rau chân vịt chứa rất nhiều axit oxalic. Khi ở trong ruột loại axit này sẽ kết hợp với canxi hình thành oxalat canxi. Nó sẽ gây cản trở việc hấp thụ canxi của cơ thể dẫn đến cơ thể bị thiếu hụt canxi.

Do vậy rau chân vịt bắt buộc phải nấu chín để loại bỏ bớt axit oxalic để không cản trở việc hấp thụ canxi. Khi được nấu chín, ăn rau chân vịt sẽ hấp thụ nhiều sắt, canxi và magie hơn.

Theo VTC News
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: giadinhtieudung@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép ICP số 45/GP-STTTT do Sở TTTT cấp ngày 06/08/2019
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Hương Sen
Ghi rõ nguồn: giadinhtieudung.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc Hello Media
Văn phòng: Đường số 9, khu đô thị Sala,
Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Email: giadinhtieudung@gmail.com