Một cuộc điều tra gần đây tại các nhà máy sản xuất của Dior cho thấy một số túi xách của hãng được sản xuất với giá chỉ bằng một phần rất nhỏ so với giá lên kệ.
Thương hiệu thời trang xa xỉ Dior thuộc sở hữu của tập đoàn Pháp LVMH, nổi tiếng với các mặt hàng cao cấp như túi xách, quần áo, đồ trang sức và các phụ kiện khác thường có giá trên 1.000 USD. Nhưng một cuộc điều tra gần đây đã chỉ ra một sự thật rằng mức giá đắt đỏ này không hề tương xứng với chi phí sản xuất những mặt hàng này.
LVMH đã bị các nhà chức trách Ý điều tra, họ đã xem xét điều kiện làm việc tại một số nhà máy sản xuất túi xách Dior của công ty.
Một vị khách đeo chiếc túi Dior trong buổi trình diễn Haute Couture Thu/Đông 2024/2025 trong khuôn khổ Tuần lễ Thời trang Paris vào ngày 24/6/2024 tại Paris. (Ảnh:Edward Berthelot / Getty)
Theo các tài liệu mà các nhà chức trách phát hiện trong cuộc điều tra, Dior bị cáo buộc đã trả cho một nhà cung cấp 57 USD để sản xuất một chiếc túi xách được bán với giá 2.780 USD tại các cửa hàng, theo một báo cáo mới từ tờ Wall Street Journal (WSJ).
Các nhà chức trách cũng đã điều tra các nhà máy của Giorgio Armani và phát hiện rằng công ty này đã trả 99 USD cho những chiếc túi được bán với giá hơn 1.900 USD tại các cửa hàng.
Theo WSJ, giá thành không bao gồm da hoặc các nguyên liệu thô khác, và các công ty “chi trả riêng chi phí thiết kế, phân phối và tiếp thị” cho các sản phẩm.
Cả hai công ty đều bị chính quyền Ý cáo buộc bóc lột lao động nước ngoài để sản xuất các sản phẩm cao cấp với giá thành thấp.
Tháng trước, Dior Manufactures SRL, chi nhánh con của Dior tại Ý phụ trách sản xuất túi xách thương hiệu Dior, đã bị đưa vào diện quản lý đặc biệt sau khi tòa án Milan, Ý mở cuộc điều tra cáo buộc công ty này đã ký hợp đồng gia công với các công ty Trung Quốc đối xử bất công với công nhân.
Trong một tài liệu về quyết định mà Reuters tiếp cận được cho hay các công nhân đã ngủ trong các nhà máy để họ có thể có "nhân lực 24 giờ một ngày".
Theo Reuters, các thiết bị an toàn cũng được tháo khỏi máy móc để công nhân có thể vận hành chúng nhanh hơn, điều này cho phép các nhà thầu "kiểm soát chi phí" và tính cho Dior mức giá thấp hơn cho những chiếc túi xách.
Chính quyền tuyên bố rằng Dior đã không thực hiện các biện pháp kiểm tra điều kiện làm việc tại các nhà máy của các công ty hợp đồng mà công ty này hợp tác và không tiến hành "kiểm toán định kỳ" đối với các nhà cung cấp của mình trong vài năm qua.
Các công tố viên Milan cáo buộc rằng bằng cách bắt một số nhân viên làm việc bất hợp pháp 15 tiếng/ngày, một nhà cung cấp do Trung Quốc sở hữu có thể tính phí cho Dior chỉ 53 euro cho một chiếc túi xách được bán lẻ với giá 2.600 euro.
Vấn nạn bóc lột lao động trong ngành thời trang
Bóc lột lao động là một vấn nạn lớn trong ngành thời trang. Vào tháng 5, nhà bán lẻ thời trang nhanh Shein đã bị phơi bày trong một cuộc điều tra của Public Eye vì đã để các công nhân tại các nhà cung cấp của mình làm việc 75 giờ một tuần với mức lương thấp (vi phạm luật lao động Trung Quốc), sau khi công ty hứa sẽ chấm dứt tình trạng này vào năm 2021.
Bóc lột lao động là một vấn nạn lớn trong ngành thời trang.
Public Eye đã phỏng vấn 13 công nhân dệt may làm việc tại 6 nhà máy ở Quảng Châu và phát hiện ra rằng nhân viên phải làm việc trung bình 12 giờ một ngày, chưa bao gồm thời gian nghỉ trưa và ăn tối. Số ngày làm việc mỗi tuần rơi vào khoảng 6-7 ngày.
Những người lao động này cũng được phát hiện đang làm việc trong các nhà kho có nguy cơ cháy nổ.
Điều đáng quan tâm hơn cả là thu nhập của những công nhân này hầu như không thay đổi kể từ báo cáo hồi năm 2021, dao động trong khoảng từ 6.000 đến 10.000 nhân dân tệ (67,8-113 USD) mỗi tháng. Nếu trừ tiền làm thêm giờ, tiền lương giảm xuống chỉ còn khoảng 2.400 nhân dân tệ.
Cũng tại Ý, tòa án Milan đã áp dụng các biện pháp điều tra tương tự đối với một đơn vị thuộc tập đoàn Giorgio Armani và nhà sản xuất đồ da nổi tiếng thế giới Alviero Martini.
Các cuộc điều tra chuỗi cung ứng trong năm nay đã phát hiện ra những xưởng may bóc lột sức lao động ở khu vực gần Milan, nơi công nhân, thường là những người nhập cư bất hợp pháp, ăn và ngủ ngay tại xưởng, đôi khi phải làm việc xuyên đêm và cả các ngày lễ.
Theo các tài liệu được tờ Reuters thu thập, các nhà thầu phụ của Armani đã trả cho công nhân 2-3 euro một giờ, thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu ở Hà Lan, Đức, Bỉ hay Pháp là 11,5 euro/giờ. Công nhân không có giấy tờ hợp lệ, phải một làm việc mỗi ngày từ 12 đến 14 tiếng.
Theo báo kinh tế Les Échos, các tập đoàn thời trang thường làm việc với nhiều hãng gia công, nhưng lại lơ là trong việc kiểm soát chuỗi cung ứng, nếu không nói là nhắm mắt làm ngơ.
Các nhà điều tra phát hiện ra rằng sau khi ký hợp đồng chính thức với công ty lớn, các hãng gia công áp dụng hình thức tuyển dụng ''caporalato''. Thuật ngữ này ban đầu được dùng trong ngành nông nghiệp, thông qua người môi giới (caporale) để tuyển dụng lao động càng rẻ càng tốt.
Khi đột nhập vào các xưởng gia công, giới điều tra đã phát hiện ra nhiều vi phạm nghiêm trọng, những người di cư Trung Quốc và Pakistan, thường không có giấy tờ hợp lệ, họ làm việc mà không hề ký bất kỳ hợp đồng nào. Ngoài giờ làm việc, họ bị buộc phải ăn ngủ tại chỗ, ở trong một góc nhà máy chẳng những thiếu an toàn mà còn sống trong điều kiện vệ sinh tồi tàn.
Theo ông Fabio Roia, chánh án tòa sơ thẩm Milano, đã đến lúc toàn bộ ngành thời trang phải đối mặt trực diện vấn đề, giải quyết nghiêm túc tình trạng tuyển dụng lao động bất hợp pháp.
Theo Vietnamfinance/The Street, Reuters
Tags:
khám phá
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com