Thói quen tiêu xài dễ dãi đẩy giới trẻ vào nỗi lo hưu trí

Thói quen tiêu dùng nhanh của giới trẻ hiện nay có thể làm lu mờ nhận thức về việc chi tiêu cho các mục đích dài hạn, ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch hưu trí.

Tiêu xài dễ dãi

Trong thời đại công nghệ 4.0, chỉ với vài cú nhấp chuột, vài thao tác trên điện thoại, giới trẻ có thể mua sắm mọi thứ từ quần áo, đồ điện tử đến thực phẩm, sử dụng dịch vụ tài chính... Cùng với đó, sự phổ biến của các phương tiện thanh toán trực tuyến và thẻ tín dụng cũng kích thích giới trẻ chi tiêu nhanh chóng và dễ dàng hơn. Nhìn chung, sự tiến bộ của công nghệ và sự thay đổi trong cách tiếp cận thông tin, hành vi mua sắm đã thúc đẩy thói quen tiêu dùng nhanh ở giới trẻ trong những năm gần đây.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FinPeace, cho rằng thói quen tiêu dùng nhanh có thể đem đến cả lợi ích và tác hại đối với đời sống của giới trẻ. “Thói quen tiêu dùng nhanh sẽ thúc đẩy vòng quay tiêu dùng lên rất cao, bản chất là chi tiêu trên ‘vùng tiêu dùng cần thiết’ vì sở thích. Đây là điều tốt cho xã hội, vì làm gia tăng doanh số tiêu dùng”, ông Tuấn Anh cho biết.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, thói quen tiêu dùng nhanh cũng đem lại hậu quả, làm lu mờ nhận thức về việc chi tiêu cho các mục đích dài hạn. “Nếu như trước đây, khi gặp những vấn đề khó, chúng ta hay đăng ký một lớp học về kỹ năng để giải quyết vấn đề trong dài hạn, thì hiện tại xu hướng là tìm người hỗ trợ xử lý vấn đề đó. Đây chính là điểm yếu của thói quen tiêu dùng nhanh, làm mất đi ý thức chi tiêu để nhận về những giá trị mang tính chất dài hạn”, Chủ tịch FinPeace cho hay.

Thói quen tiêu dùng nhanh khiến giới trẻ dễ dàng nhận thấy kết quả của việc chi tiêu, dẫn đến suy nghĩ sai lầm rằng chi tiêu luôn mang lại hiệu quả nhanh chóng. Trong khi đó, nhiều khía cạnh quan trọng của cuộc sống lại cần thời gian để đem lại kết quả, điển hình là các khoản đầu tư cho tài chính hưu trí. Hơn nữa, khi tốc độ tiêu dùng quá nhanh, giới trẻ có thể mất kiểm soát chi tiêu của mình. Điều này làm giảm khả năng tiết kiệm và tích lũy tài sản. Hậu quả là họ không chỉ gặp khó khăn về tài chính trong hiện tại mà còn ảnh hưởng đến tương lai lâu dài, bao gồm cả việc chuẩn bị tài chính cho thời kỳ nghỉ hưu.

Có thể thấy rằng, thói quen tiêu dùng nhanh là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực tới việc hoạch định các kế hoạch tài chính hưu trí và đang là thực trạng đáng lo ngại ở giới trẻ. Bên cạnh nguyên nhân đến từ thói quen tiêu dùng nhanh, một phần nguyên nhân còn lại đến từ việc thiếu kiến thức và giáo dục về tài chính cá nhân, không được trang bị đủ thông tin về cách quản lý tài chính, vai trò của tiết kiệm và đầu tư cho hưu trí.
Kế hoạch tài chính hưu trí nào cho giới trẻ?

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, mặc dù giới trẻ Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của tài chính hưu trí, nhưng họ chưa hiểu đầy đủ về trạng thái hưu trí và ít quan tâm đến việc lập kế hoạch tài chính cho tương lai xa.

Ở Mỹ, để khuyến khích mọi người tích cực tham gia vào các hoạt động tài chính hưu trí, các khoản tiền mà nhân viên trích từ lương để đóng góp vào quỹ hưu trí hoặc đầu tư chứng khoán sẽ không bị tính vào thu nhập chịu thuế. Điều này đã tạo thói quen đầu tư liên tục cho tài chính hưu trí trong nhiều thế hệ người Mỹ.

Trong khi đó, ở Việt Nam, thế hệ trước chỉ có hai lựa chọn đầu tư chính là vàng và tiết kiệm. Gần đây, giới trẻ Việt Nam đã bắt đầu có các hình thức đầu tư và tích lũy khác, tuy nhiên họ thường hướng đến mục tiêu tăng trưởng nhanh hơn là tích lũy cho mục tiêu hưu trí.

Chủ tịch của FinPeace nhận định rằng Việt Nam là một môi trường thuận lợi cho giới trẻ đầu tư, nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng so với mức trung bình toàn cầu. Ông chỉ ra rằng giới trẻ có thể đầu tư vào các công ty hàng đầu tại Việt Nam niêm yết trên thị trường chứng khoán, với mức tăng trưởng trung bình từ 12-18%. Ông cho rằng đây là cơ hội và giải pháp để giới trẻ hiện nay đáp ứng được kỳ vọng tăng trưởng của mình.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cũng lưu ý rằng sau tuổi 45, khi đã có một khoản tiết kiệm nhất định, giới trẻ nên chuyển dần sang các hình thức đầu tư an toàn hơn và mang tính lâu dài hơn như quỹ hưu trí để đảm bảo tài chính cho tương lai. Ông giải thích rằng trong quản lý tài chính cá nhân, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ tài chính hiện tại, tiếp theo là chuẩn bị tài chính cho hưu trí, và cuối cùng mới là các mục tiêu tài chính khác như hỗ trợ tài chính cho người thân, chi tiêu cho các dịch vụ mang tính hưởng thụ cao…

Để giúp giới trẻ xây dựng kế hoạch tài chính hiệu quả, ông Tuấn Anh khuyên không nên quá phức tạp hoá các kế hoạch với những con số lớn và xa vời. Thay vào đó, nên bắt đầu từ một khoản đầu tư nhỏ và khả thi hàng tháng, để từ đó dần dần hình thành thói quen tiết kiệm. Sau khoảng 6 tháng, mới nên cân nhắc các phương thức đầu tư hiệu quả hơn cho số tiền đã tích lũy.

Ông cũng đề cập đến nhiều kênh đầu tư khác nhau như tiết kiệm, vàng, cổ phiếu,... và nhấn mạnh rằng việc tìm hiểu và chọn lựa các kênh đầu tư uy tín là hoàn toàn trong khả năng của giới trẻ ngày nay.

Hiện nay, thị trường Việt Nam có nhiều lựa chọn đầu tư cho các mục tiêu dài hạn với mức độ rủi ro thấp. Chẳng hạn, phần lớn các công ty bảo hiểm nhân thọ trên thị trường đều cung cấp các sản phẩm bảo hiểm hưu trí nhằm đem lại thu nhập bổ sung cho người được bảo hiểm khi hết tuổi lao động. Hoặc nhiều công ty quản lý quỹ cũng đang hình thành các quỹ hưu trí với chiến lược đầu tư thận trọng nhằm bảo toàn vốn đầu tư nhưng vẫn đảm bảo khả năng sinh lời.

Theo Vietnamfinance
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: giadinhtieudung@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép số 45/GP-STTTT
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Hương Nhu
Ghi rõ nguồn: giadinhtieudung.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc Hello Media
Văn phòng: Đường số 9, khu đô thị Sala,
Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Email: giadinhtieudung@gmail.com