Chuyện nhà giàu Việt: 20 tỷ trong tay vẫn bất an vì thiếu tiền tiêu

Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam không ngừng gia tăng trong nhiều năm qua, tuy nhiên, khá nhiều người Việt đang “kẹt” hàng chục tỷ đồng trong bất động sản, tình trạng phân bổ vốn đầu tư chưa hợp lý, thiếu kiến thức tài chính khiến họ bất an dù sở hữu tài sản lớn.

Nhà giàu Việt "bấp bênh” dù tài sản gần 1 triệu USD

Đó là chia sẻ của chị Huỳnh Mai Phương (38 tuổi), ở quận Phú Nhuận, TP. HCM về tình hình tài chính của bản thân và gia đình. Chị Phương kể, gần một tháng nay đang muốn tìm thêm một công việc để tăng thu nhập, nhưng mọi thứ không hề dễ dàng. Công việc thì có, nhưng yêu cầu phải làm đến 14 tiếng mỗi ngày, không có thời gian chăm sóc con cái, mà mức lương lại thấp.

Theo chị Phương, nhà đã mua từ lâu, cũng tích luỹ được tài sản, nhưng thời gian khoảng hơn một năm trở lại đây, kiếm được bao nhiêu, tiêu hết bấy nhiêu. Nếu muốn mua sắm thêm hay giúp đỡ bố mẹ hai bên, phải dùng đến tiền tiết kiệm dự phòng. Chị Phương lo ngại, cứ tình trạng này, chẳng mấy chốc tiền dự phòng cũng chẳng còn.

Chị Phương chia sẻ, hai vợ chồng chị có đi làm, tích luỹ từ khá sớm. Nhờ làm ăn may mắn, để dành được một lượng tài sản, thời điểm 2020 đã đầu tư hết vào 2 mảnh đất tại Long An và Cam Ranh với trị giá lúc đó khoảng hơn 10 tỷ đồng, trong đó có vay mượn thêm của bố mẹ 2 bên.

Chưa hết, đầu năm 2024, hai vợ chồng quyết định chi thêm 600 triệu đồng để đầu tư đất chung với bạn bè, tính lướt sóng kiếm lời. Tuy nhiên đã gần một năm trôi qua mà chưa bán được. Người hỏi mua thì lại chỉ trả bằng đúng giá đã mua, như vậy lỗ luôn phí môi giới, thuế, chưa kể thiệt hại từ việc mất lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Hiện căn nhà phố đang ở của vợ chồng chị trị giá khoảng gần 9 tỷ đồng, 2 mảnh đất ở tỉnh lúc mua 10 tỷ nhưng gần như không có giao dịch, khảo sát thì thấy 1 vài giao dịch cắt lỗ của nhà đầu tư với giá đất mức bằng với 5 năm trước đây.

“Gần 100% tài sản hiện nằm trong bất động sản, có cả gần 1 triệu USD trong tay mà lúc nào cũng thấy bất an vì thiếu tiền”, chị Mai Phương lo lắng.


Cũng trong hoàn cảnh tương tự, anh Hoàng Mạnh Giang (41 tuổi), ngụ quận 7, TP. HCM cho biết, anh đang làm thủ tục bán mảnh đất ở Phan Thiết của mình mua được năm 2018 khi nguồn tiền dành cho sinh hoạt và kinh doanh của gia đình khoảng 1 năm trở lại đây gặp khó.

Theo anh Giang, việc cơ cấu tài sản của anh là chưa hợp lý khi bất động sản chiếm đến 80%, ngoài ra còn ở kênh chứng khoán và một khoản đầu tư kinh doanh với bạn bè. Đáng chú ý, các bất động sản mà anh Giang sở hữu không tạo ra dòng tiền, nguồn thu nhập chủ yếu từ công việc trưởng phòng kinh doanh.

“Vì cần có thêm dòng tiền nên phải bán và mãi mới bán được, mua từ năm 2018 nhưng sau gần 6 năm lãi không nhiều”, anh Giang nói thêm.

Anh Vũ Đình Tuân (35 tuổi), sống tại Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, anh cũng đang trong tình trạng khá éo le khi tổng tài sản hiện có ước tính khoảng 17-18 tỷ đồng bao gồm, 1 căn hộ chung cư giá 7 tỷ, 2 mảnh đất tại Quảng Ninh và Đồng Nai giá khoảng 8 tỷ, gần 2 tỷ tiền đầu tư chứng khoán, vài trăm triệu đồng chứng chỉ quỹ và một số nguồn tiền khác.

Anh Tuân mới đây cũng giật mình, cần tiền, nhưng không thể bán đất, chứng khoán hiện vẫn đang trong tình trạng lỗ, đành phải đi vay mượn bố mẹ 2 bên, bạn bè.

“Có đến tiền chục tỷ trong tay, nhưng có thời điểm cảm giác thật sự bất an khi vẫn phải lo lắng về chi phí. Cần đến tiền nhưng không thể chuyển đổi được tài sản”, anh Tuân e ngại.

Theo quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, dự báo đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 7.500 USD/người và đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 – 32.000 USD, cùng với đó, dự báo Việt Nam sẽ vào top 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu vào năm 2024.

Số liệu từ Bộ Lao động Thương binh Xã hội cũng cho biết, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam có xu hướng gia tăng mạnh, hiện đang chiếm khoảng 20% dân số, dự kiến sẽ tăng lên 26% vào năm 2026 và khoảng 50 triệu người vào năm 2030. Nghiên cứu mới công bố của World Data Lab (Anh) cho biết trong thập kỷ qua, Việt Nam ở nhóm các nước tăng số người thuộc tầng lớp trung lưu nhanh nhất thế giới.

Tuy nhiên, đi ngược với sự gia tăng của tài sản, thu nhập, người dân Việt Nam vẫn còn thiếu hiểu biết về quản lý và hoạch định tài chính cá nhân. Cụ thể, theo báo cáo của Viện Khoa học tài chính và Quản lý thuộc Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), chỉ 33% người được hỏi biết thiết lập ngân sách và quản lý chi tiêu, 52% lo lắng về chi trả chi tiêu và hoá đơn hàng tháng. Đáng lưu ý, mức độ tổn thất tài chính do yếu tố chủ quan (chưa hiểu biết, hiểu biết sơ bộ và căn bản) chiếm phần nhiều.
Chữa bệnh “thừa tài sản, thiếu tiền tiêu”

Theo bà Lê Thị Lan, chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân thuộc Công ty FIDT, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là đa số người Việt chưa biết cách xây dựng danh mục tài sản. Đầu tiên, cần phải phân rõ bao nhiêu phần trăm vốn vào tài sản an toàn, có tính phòng thủ cao; bao nhiêu phần trăm vào các tài sản có mức độ rủi ro trung bình như nhà phố, căn hộ chung cư, chứng chỉ quỹ; bao nhiêu cho những tài sản có độ rủi ro cao như đất nền, đất nông nghiệp, cổ phiếu…

“Kể cả trong cùng một loại tài sản là bất động sản, cần phân chia nhỏ làm nhiều lớp tài sản khác nhau để nâng cao độ linh hoạt và tính thanh khoản”, bà Lan nhấn mạnh.

Tiếp theo, một yếu tố vô cùng quan trọng đó là chu kỳ kinh tế và sự vận động của các tài sản trong mối tương quan với chu kỳ kinh tế. Điều này giúp nhà đầu tư, có thể điều chỉnh tỷ trọng các nhóm tài sản nêu trên cho phù hợp với từng bối cảnh kinh tế, thời hạn đánh giá điều chỉnh nên tối thiểu 1 năm 1 lần.

Ngoài ra, để hạn chế sự ảnh hưởng bởi tính chu kỳ, cần đa dạng hoá danh mục tài sản và trong mọi tình huống, không được bỏ qua nhóm tài sản an toàn có tính phòng thủ, bởi vì trong trường hợp gặp khó khăn về tài chính, chẳng hạn như mất hoặc giảm thu nhập, người ta thường ưu tiên bán tài sản an toàn (trừ nhà ở), sau đó mới xem xét bán các tài sản có rủi ro trung bình và rủi ro cao.

Đối với câu chuyện của chị Phương, anh Giang và anh Tuân nói riêng và cũng như nhiều người Việt nói chung, theo chuyên gia Lê Thị Lan lúc này anh chị đã nhận diện được căn bệnh “thừa tài sản, thiếu tiền tiêu”, và việc tiếp theo cần tính toán giải pháp chữa bệnh để tránh chuyển biến nặng hơn, bên cạnh đó cũng cần xác định đúng nguyên nhân gây bệnh để trong tương lai không tái bệnh.

Về nguyên nhân “gây bệnh”, có điểm chung đều xuất phát từ việc phân bổ danh mục tài sản ngay từ đầu chưa hợp lý. Nhà ở là thứ xác định không bán đang chiếm tỷ trọng trên 40%, đất nền các tỉnh vùng ven chiếm tỷ trọng trên 40% và đang tập trung vào 1-2 mảnh giá trị lớn 4-5 tỷ, là phân khúc giá mà ít người dân ở tỉnh có khả năng mua được vào lúc kinh tế khó khăn.

Riêng gia đình chị Phương, đầu năm 2024 vẫn còn tiền mặt nhưng đã lướt sóng đất không thành công nên không còn tài sản phòng thủ nào. Gia đình anh Giang đã cạn tiền mặt, phải đăng bán đất không bán được. Gia đình anh Tuân có cổ phiếu là tài sản linh hoạt dễ bán nhưng lại lỗ quá sâu.

Đặc biệt khi các tín hiệu chu kỳ kinh tế cho thấy cần phải cắt giảm tỷ trọng bất động sản nhưng không nhận ra được và không hành động. Sau đó giảm mạnh thì không nghĩ tới bán nữa, tuy nhiên điều không ngờ là thu nhập giảm, khó khăn kéo dài khiến số tiền dự phòng ít ỏi không đủ trang trải, căng thẳng dòng tiền dẫn đến bất an, lo lắng, chỉ sợ có thêm một sự cố bất ngờ cần tiền, có thể dẫn đến khủng hoảng.

“Bài toán khó hiện nay là nếu cố gồng gánh thêm 6 – 12 tháng nữa thì liệu đất có tăng giá và dễ bán hơn không, hay liệu chứng khoán có tăng trở lại để thu hồi vốn hay không?”, bà Lan đặt câu hỏi.

Chuyên gia Lê Thị Lan lưu ý, hiện tại nền kinh tế vừa qua đáy suy thoái và mới bắt đầu hồi phục, cần phải thấy các công ty tăng đơn hàng, tăng tuyển dụng và có kết quả kinh doanh tốt thì mới tạo công ăn việc làm diện rộng, tăng thu nhập, người dân có niềm tin và hồ sơ tốt để vay ngân hàng mua bất động sản.

Và phân khúc tăng đầu tiên sẽ là bất động sản dân sinh, tức có nhu cầu ở thực là căn hộ, nhà phố ở trung tâm, sau đó mới lan rộng ra vùng ven ưu tiên nhu cầu ở thực trước, đầu tư sau. Với luận điểm trên thì đất nền vùng ven khó có thể bán được với giá hợp lý trong thời gian ngắn 6-12 tháng. Nếu cần tiền gấp, chỉ có thể bán lỗ 20-30% mới mong có giao dịch.

Riêng cổ phiếu là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, luôn đi trước nền kinh tế, đi trước bất động sản. Lúc này, giá cổ phiếu đã tăng mạnh so với năm 2022 nhưng dư địa tăng vẫn còn trong 2-3 năm nữa.Bà Lê Thị Lan, chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân thuộc Công ty FIDT

Để có thể chữa căn bệnh “thừa tài sản, thiếu tiền tiêu”, chuyên gia Lê Thị Lan đưa ra 2 phương án, tùy theo khẩu vị rủi ro của từng người để lựa chọn.

Thứ nhất, với cơ cấu tài sản chiếm phần nhiều là bất động sản, có thể xem xét bán mảnh đất ít tiềm năng nhất để mua lại 1-2 mảnh nhỏ hơn bằng cách sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý. Hiện tại, lãi vay đang ở mức thấp lịch sử, khoảng 7% cố định trong 3 năm, nếu chọn vay dài 20-30 năm thì số tiền phải trả hàng tháng khá thấp, ví dụ vay 1 tỷ chỉ trả 9-10 triệu mỗi tháng.

Cách làm này vừa có thể rút ra một khoản tiền mặt để tăng phòng thủ, vừa tái cấu trúc từ mảnh đất kém lợi thế sang 1-2 mảnh có lợi thế, tầm giá nhỏ hơn để tiếp tục chờ cơ hội tăng giá trong giai đoạn vàng của bất động sản, dự kiến từ năm 2027 đến 2030..

Thứ hai, với người có khẩu vị rủi ro cao hơn, có thể cơ cấu theo hướng xem xét bán một mảnh đất ít tiềm năng nhất để chuyển dịch sang đầu tư cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ. Quay lại luận điểm cổ phiếu là kênh đầu tư của sự kỳ vọng, thường tăng trước bất động sản thì việc đầu tư vào cổ phiếu đúng chu kỳ sẽ hạn chế được rủi ro, có cơ hội mang lại lợi nhuận cao, tăng tính đa dạng và linh hoạt cho danh mục. Khi bán được đất, hãy giữ lại một khoản tiền mặt để tăng phòng thủ, phần còn lại đầu tư dần vào cổ phiếu trong 1-2 năm tới để đón đầu giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ dự kiến sau năm 2027.

“Cả 2 phương án, nếu anh chị chưa có đủ kiến thức, trải nghiệm về chu kỳ kinh tế, các phân khúc bất động sản, các tài sản tài chính như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để ra quyết định thì cần tìm kiếm thêm lời khuyên của chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân”, bà Lan khuyến nghị.

Chuyên gia Lê Thị Lan cho rằng, quản lý tài chính cá nhân không chỉ là về việc kiếm tiền mà còn là cách phân bổ tài sản và xây dựng danh mục đầu tư một cách thông minh. Tâm lý của người Việt Nam luôn thích bất động sản vì cho rằng "người có thể đẻ, đất không đẻ được, đầu tư đất chắc chắn sẽ thắng".

Nhưng thực tế bất động sản cũng có tính chu kỳ xoay quanh sự vận động của nền kinh tế tại từng thời điểm, việc đặt niềm tin hoàn toàn vào bất động sản là không thực sự an toàn và phù hợp, mà cần phải đa dạng hóa tài sản và cân nhắc kỹ lưỡng tính chu kỳ trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Theo chuyên gia, trong danh mục nhất định phải có tài sản an toàn phòng thủ và có tính thanh khoản cao như tiền gửi ngân hàng, vàng, bảo hiểm nhân thọ vì chúng không chỉ giúp bạn vượt qua những thời điểm khó khăn, mà còn tạo nền tảng vững chắc để tận dụng cơ hội khi thị trường phục hồi.

Theo Vietnamfinance
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: giadinhtieudung@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép số 45/GP-STTTT
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Hương Nhu
Ghi rõ nguồn: giadinhtieudung.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc Hello Media
Văn phòng: Đường số 9, khu đô thị Sala,
Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Email: giadinhtieudung@gmail.com