Người dân không những mua vàng miếng SJC khó, mà bán ra còn khó hơn, nhất là vàng không có hóa đơn. Bên cạnh đó, một số tiệm chỉ mua lại vàng miếng SJC mà chính công ty đã bán ra trước đó.
Còn đó những bất cập
Chia sẻ trên Thanh niên, bà B.S. (ngụ TP.Đà Nẵng) kể: "Giá vàng hiện biến động liên tục. Cả tuần nay tôi đi bán vàng nhẫn trước mua ở Công ty SJC miền Trung nhưng cửa hàng tạm ngưng hoạt động. Mang 5 chỉ vàng nhẫn PNJ qua công ty PNJ thì bán được nhưng họ không mua vào vàng nhẫn của SJC. Qua cửa hàng Doji cũng gặp cảnh tương tự, họ không mua vàng nhẫn của SJC. Mang 11 chỉ vàng nhẫn SJC ra tiệm vàng bên ngoài bán thì họ cho biết chỉ thu lại 1 - 2 chỉ với giá thấp hơn trong Công ty SJC, chứ không thu hết số lượng trên. Người dân kẹt tiền cần bán vàng nhưng cửa hàng tạm ngưng giao dịch, không có nơi nào chịu mua lại. Mua vàng đã khó, bán ra còn khó hơn. Với tình hình này, tôi còn mấy miếng vàng SJC không biết có bán được hay không".
Chiều 6/10, nhân viên cửa hàng Doji Lê Duẩn (TP.Đà Nẵng) cho biết, chỉ thu lại vàng miếng SJC mà chính công ty đã bán ra trước đó. Vàng miếng SJC, kể cả vàng miếng SJC có hóa đơn do người dân mua của đơn vị khác như PNJ, thì công ty cũng không mua. Không chỉ Doji mà cửa hàng PNJ cũng tương tự. Trong trường hợp miếng vàng không còn hóa đơn, khách hàng mang đến cửa hàng để nhân viên kiểm tra có phải hàng của công ty bán ra hay không. Nếu đúng của công ty bán ra trước đó thì sẽ thu lại. "Tuy nhiên, còn một cách khác để giải quyết cho khách hàng cần bán vàng miếng SJC nhưng đã mất hóa đơn là sử dụng dịch vụ "Người bạn vàng". Giá thu lại của dịch vụ này sẽ thấp hơn mức giá vàng miếng SJC mà công ty niêm yết", người này nói.
Người dân đang giao dịch tại tiệm vàng.
Khảo sát tại TP.HCM, các tiệm vàng cũng từ chối mua lại vàng miếng SJC. Ông T.C (chủ tiệm vàng tại TP.HCM) giải thích: Các tiệm vàng không có giấy phép mua bán của Ngân hàng Nhà nước nên không dám mua lại vàng miếng SJC từ người dân. Bởi theo quy định của Nhà nước từ hơn 10 năm nay, các đơn vị được cấp phép mới được mua bán vàng miếng SJC. Những năm trước, việc mua bán lén lút vẫn diễn ra. "Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng quản lý chặt về vấn đề này nên các tiệm vàng "rén", không dám mua vào nên cũng chẳng có mà bán ra. Do đó, những khách hàng mua vàng miếng tại các tiệm vàng cách đây nhiều năm, nay mang ra bán thì bị từ chối là điều dễ hiểu", ông T.C nói thẳng và nhận xét không khéo tình trạng mua bán vàng miếng SJC sẽ giống như vàng nữ trang, mua đâu bán đó.
Giải pháp nào cho liên thông thị trường vàng?
Thị trường vàng rơi vào cảnh khó mua, khó bán bắt nguồn từ đầu tháng 6, vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước thực hiện bán ra cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) và Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC. Giá vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước công bố và các đơn vị này không được bán cao hơn 1 triệu đồng/lượng so với giá công bố. Trong 5 đơn vị trên, chỉ có duy nhất Công ty SJC thực hiện mua lại vàng miếng SJC từ cá nhân, tổ chức, còn 4 ngân hàng thương mại không mua vào.
Việc mua bán vàng đang gặp khó khăn. Ảnh minh họa.
Nhận xét về tình trạng trên, PGS-TS Định Trọng Thịnh cho rằng việc các đơn vị hạn chế mua lại vàng miếng SJC là tự họ đặt ra điều kiện chứ quy định hiện nay không đề cập. Vàng miếng SJC là thương hiệu quốc gia nên việc mua bán là bình thường. Việc các đơn vị yêu cầu mua vào vàng miếng SJC phải có hóa đơn, chứng từ là tự làm khó. Có những trường hợp người tiêu dùng mua vàng 5 năm, 10 năm hay 20 năm trước thì lấy đâu ra hóa đơn? Các đơn vị có thể mua và ghi lại số CCCD, số sê ri vàng… của người bán để thực hiện ghi bảng kê theo hướng dẫn của quy định.
Theo TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, biện pháp bán vàng can thiệp thị trường của Ngân hàng Nhà nước là giải pháp tình thế. Sau 4 tháng triển khai, giá vàng trong nước rút ngắn mức chênh lệch, cao hơn quốc tế còn khoảng 4 triệu đồng/lượng thay vì 20 triệu đồng/lượng trước đó. Bốn ngân hàng được phép bán vàng nhưng không mua vào cho thấy các đơn vị này cũng không mặn mà gì với vàng. "Ngay cả các ngân hàng không mua vào, các công ty lớn cũng không mua vàng của đơn vị khác, vậy người mua vàng của 4 ngân hàng thời gian vừa qua sẽ bán vàng ra ở đâu nếu cần?", ông Tú đặt câu hỏi.
Vì vậy theo ông Tú, cần có giải pháp liên thông thị trường vàng hiện nay. "Các ngân hàng bán vàng thì cũng nên mua lại vàng đã bán ra, kể cả mua lại vàng của các đơn vị khác bán ra. Đồng thời, việc kiểm soát độc quyền vàng miếng SJC đã quá lâu và cần sớm gỡ bỏ. Để làm được điều này cần sửa đổi sớm Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. Trước mắt cho phép một số đơn vị được nhập khẩu vàng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiến xa hơn là đảm bảo thị trường trong và ngoài nước liên thông, đảm bảo sự minh bạch, quyền lợi của người tiêu dùng", ông Nguyễn Ngọc Tú nói.
Trước đó, trả lời trên Tiền Phong, đại diện Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC cho biết, từ ngày 5/8 đơn vị này sẽ thu mua trở lại vàng miếng SJC "một chữ" cũng như vàng bị móp méo.
Tổng Giám đốc Công ty SJC Lê Thúy Hằng cho biết, miếng vàng SJC được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 9001/2015. SJC luôn chịu trách nhiệm trước khách hàng về chất lượng sản phẩm vàng miếng SJC do công ty sản xuất. Điều này đã được khẳng định bởi sự tin dùng của khách hàng xuyên suốt gần 36 năm qua.
Theo bà Hằng, loại vàng có một ký tự chữ được Công ty SJC sản xuất trước năm 1996. Sau đó, SJC đã dành một khoảng thời gian để khách hàng chuyển đổi sang loại vàng miếng hai ký tự mà không phải tốn bất kỳ chi phí nào. Hiện nay công ty vẫn thu mua loại vàng miếng SJC một ký tự bằng giá với loại vàng miếng SJC hai ký tự. Sau đó công ty sẽ gia công loại vàng một ký tự thành vàng miếng SJC hai ký tự để bán ra cho khách hàng, theo Tiền phong.
Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn tiếp tục duy trì ở mốc cao mua vào 82 triệu đồng/lượng, bán ra 84 triệu đồng/lượng.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ, việc 4 ngân hàng bán ra mà không mua vào là vô lý. Đó là chưa kể vàng miếng SJC là thương hiệu quốc gia, nay mua và bán đều khó nên làm giảm lòng tin của người tiêu dùng. Việc mua đâu bán đó trên thị trường vàng hiện nay gây ra tình trạng méo mó của thị trường, không tạo ra uy tín của sản phẩm này. Chưa kể việc người dân không mua bán được vàng trên thị trường chính thức sẽ chuyển qua giao dịch ở các hội, nhóm. Có những thời điểm giá vàng miếng SJC chợ đen cao hơn của các đơn vị chính thức lên đến 5 triệu đồng mỗi lượng. Cần có giải pháp nếu không thị trường tự do hoạt động sôi động, khó kiểm soát, theo Thanh niên.
Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn tiếp tục duy trì ở mốc cao mua vào 82 triệu đồng/lượng, bán ra 84 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới hồi phục nhẹ bất chấp chỉ số USD vẫn đang tăng lên. Ghi nhận lúc 6h00 ngày 7.10, chỉ số US Dollar Index đo lường biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt ở ngưỡng 102,280 điểm (tăng 0,52%).
Cuộc khảo sát vàng hàng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy các chuyên gia trong ngành ngày càng thận trọng về triển vọng ngắn hạn của vàng. Trong khi đó các nhà đầu tư vẫn lạc quan, tuy nhiên cũng ở mức độ thấp hơn một chút so với tuần trước.
Tuần này, 16 nhà phân tích đã tham gia khảo sát vàng của Kitco News. 7 chuyên gia dự kiến giá vàng sẽ tăng trong tuần tới. Có 3 chuyên gia dự đoán giá kim loại quý này sẽ giảm. 6 nhà phân tích còn lại tin rằng vàng sẽ giao dịch ngang vào tuần tới, theo Lao động.
Theo Người Đưa Tin
Tags:
kinh doanh
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com