Nghỉ lễ 30/4 – 1/5 là dịp lý tưởng để “xả hơi” sau những ngày làm việc căng thẳng, nhưng cũng là mùa cao điểm khiến nhiều người e ngại vì giá cả leo thang, điểm đến quá đông và không ít rủi ro phát sinh. Vậy làm sao để vẫn có một chuyến đi vui hết mình mà không "đau ví" hay mệt mỏi?
Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, cũng vì thế nhu cầu du lịch tăng cao khiến giá cả, dịch vụ và các điểm đến trở nên quá tải. Tuy nhiên, đừng lo lắng, với sự chuẩn bị hợp lý và một số mẹo nhỏ trong việc lên kế hoạch, đặt vé, chọn điểm đến, bạn hoàn toàn có thể tận hưởng kỳ nghỉ trọn vẹn, tiết kiệm chi phí và tránh được những rủi ro không đáng có.
Chọn địa điểm đi du lịch dịp lễ 30/4 - 1/5
Du lịch dịp lễ 30/4 – 1/5, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những cái tên quen thuộc như Nha Trang, Đà Lạt, Hội An, Sa Pa hay Hà Giang. Tuy nhiên, đây cũng chính là những điểm đến luôn đông nghẹt người trong mọi kỳ nghỉ lễ lớn, và lễ 30/4 – 1/5 cũng không ngoại lệ. Lượng khách đổ về đông đúc khiến giá phòng, ăn uống, dịch vụ… đều tăng mạnh, trong khi trải nghiệm thực tế lại dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng chen lấn, chờ đợi hoặc chất lượng dịch vụ đi xuống.
Chọn địa điểm đi du lịch dịp lễ 30/4 - 1/5

Vì thế, để có một kỳ nghỉ thực sự dễ chịu, thoải mái và hợp túi tiền, việc chọn điểm đến phù hợp là vô cùng quan trọng. Nếu bạn thích khí hậu mát mẻ, cảnh sắc núi rừng và không khí trong lành thì hoàn toàn có thể thay thế Đà Lạt bằng những cái tên “ẩn mình” nhưng không kém phần cuốn hút như Bảo Lộc, Buôn Ma Thuột, Pleiku hay Măng Đen (Kon Tum). Những điểm đến này không chỉ vắng du khách hơn mà còn giữ được nét hoang sơ, nhẹ nhàng – rất hợp cho những ai muốn “nạp lại năng lượng” thật sự.
Còn nếu bạn là người yêu biển, hãy mạnh dạn bỏ qua những nơi quá hot như Phú Quốc, Nam Du, Lý Sơn, Bình Ba hay Đà Nẵng – bởi khả năng cao bạn sẽ phải “chia sẻ bãi biển” với hàng ngàn người khác. Thay vào đó, những lựa chọn như Bình Tiên, Hang Rái (Ninh Thuận), đảo Phú Quý (Bình Thuận), biển Tuy Hòa, Eo Gió – Kỳ Co (Bình Định) hay biển Lăng Cô (Huế) sẽ là gợi ý lý tưởng.
Lên kế hoạch sớm cho chuyến đi suôn sẻ
Với những kỳ nghỉ lễ dài ngày như 30/4 – 1/5, nếu chờ đến sát ngày mới bắt đầu lên kế hoạch thì khả năng cao bạn sẽ gặp đủ thứ rắc rối: vé xe, vé máy bay tăng giá hoặc hết chỗ, khách sạn kín phòng, lịch trình bị động và đôi khi còn bị "chặt chém" mà chẳng kịp trở tay.
Vì vậy, hãy lên kế hoạch càng sớm càng tốt – ít nhất là 2–3 tuần trước ngày khởi hành. Từ chọn điểm đến, săn vé máy bay giá tốt, đặt chỗ nghỉ, nghiên cứu địa điểm ăn uống, check-in… mọi thứ càng chuẩn bị sớm thì bạn càng tiết kiệm được tiền, chủ động được thời gian và tránh được cảm giác mệt mỏi vì loay hoay "chạy show" vào phút chót.
Đặt vé sớm để “săn” được vé rẻ
Không đợi đến gần ngày mới đặt vé là một trong những bí kíp giúp bạn tiết kiệm đáng kể chi phí cho chuyến đi. Các dịp lễ lớn như 30/4 – 1/5 luôn là thời điểm cao điểm của ngành du lịch, nên vé xe, vé tàu, vé máy bay thường tăng giá mạnh, thậm chí cháy vé nếu đặt muộn.
Cần đặt vé sớm để “săn” được vé rẻ

Nếu có kế hoạch từ sớm, bạn hoàn toàn có thể săn được vé với mức giá dễ chịu, lựa chọn được khung giờ đẹp và tránh được cảnh phải “ôm hành lý chờ mòn mỏi” tại bến tàu xe hay sân bay. Ngoài ra, nhiều hãng bay hoặc ứng dụng đặt vé còn có chương trình khuyến mãi theo đợt – nếu chịu khó theo dõi, bạn có thể tiết kiệm từ vài trăm đến cả triệu đồng chỉ bằng một cú nhấp chuột đúng lúc.
Đặt phòng trước và sớm
Cũng giống như vé xe hay vé máy bay, phòng nghỉ vào dịp lễ luôn trong tình trạng “cháy hàng” nhanh chóng – đặc biệt ở các điểm đến du lịch nổi tiếng. Vì vậy, khi đã lựa chọn được điểm đến, việc bạn cần làm tiếp theo là đặt phòng trước.
Nếu bạn đặt muộn, rất dễ phải chấp nhận mức giá cao gấp đôi, thậm chí gấp ba ngày thường mà chất lượng chưa chắc tương xứng. Nhiều người còn rơi vào cảnh phải thuê tạm những chỗ ở xa trung tâm, dịch vụ kém, hoặc bị hủy phòng phút chót vì bên cho thuê ưu tiên khách khác trả giá cao hơn.
Để tránh điều đó, nên “chốt” chỗ nghỉ ngay khi xác định được điểm đến – lý tưởng là trước từ 2–4 tuần. Có rất nhiều cách để đặt phòng trước chuyến đi, từ đặt trực tiếp trên website của khách sạn, sử dụng các nền tảng đặt phòng trực tuyến như Booking.com, Agoda, Expedia… cho đến thông qua các đại lý du lịch hoặc công ty lữ hành.
Trong số đó, việc đặt phòng trực tiếp trên website khách sạn thường là lựa chọn đơn giản và tiện lợi nhất, đặc biệt khi bạn đã xác định rõ nơi muốn lưu trú. Nhiều khách sạn còn có chương trình ưu đãi riêng cho khách đặt trực tiếp, giúp tiết kiệm thêm chi phí hoặc nhận được dịch vụ tốt hơn.
Với cách này bạn có thể so sánh giá, xem đánh giá và săn ưu đãi sớm, đảm bảo chuyến đi trọn vẹn và không bị động.
Chuẩn bị đồ dùng kỹ càng để tránh thiếu sót
Một chuyến đi suôn sẻ không chỉ phụ thuộc vào điểm đến hay kế hoạch mà còn nằm ở việc chuẩn bị hành lý chu đáo. Hãy lên danh sách những món đồ cần thiết từ trước để không bỏ sót bất kỳ vật dụng quan trọng nào.
Chuẩn bị đồ dùng kỹ càng để tránh thiếu sót

Ngoài quần áo, bạn đừng quên mang theo các vật dụng cá nhân như thuốc men, kem chống nắng, sạc dự phòng, và giấy tờ tùy thân. Đặc biệt, với dịp lễ 30/4 – 1/5, hãy chuẩn bị thêm một số đồ dùng phù hợp với thời tiết và các hoạt động bạn dự định tham gia, ví dụ như ô che nắng nếu đi biển, hoặc giày thể thao nếu leo núi. Việc chuẩn bị kỹ càng không chỉ giúp bạn tiết kiệm thời gian mà còn tránh phải mua sắm ở những nơi đắt đỏ khi đã đến điểm du lịch.
Đi du lịch cùng nhóm
Đi du lịch cùng nhóm bạn không chỉ mang lại những khoảnh khắc vui vẻ, gắn kết mà còn giúp bạn tiết kiệm đáng kể chi phí. Khi đi đông, bạn có thể chia sẻ chi phí thuê xe, phòng ở, ăn uống, và thậm chí là các hoạt động tham quan, giải trí.
Ngoài ra, việc đi cùng nhóm cũng giúp bạn dễ dàng lên lịch trình linh hoạt hơn, cùng nhau khám phá các địa điểm mới lạ mà nếu đi một mình có thể sẽ bỏ qua. Tuy nhiên, để chuyến đi thật sự suôn sẻ, hãy đảm bảo rằng mọi người đều có chung sở thích và mục tiêu, đồng thời phân công công việc (như đặt vé, chuẩn bị hành lý, chọn điểm đến) từ sớm để tránh những sự cố không đáng có.
Lên trước lịch trình vui chơi
Để chuyến du lịch thật sự đáng nhớ, việc lên lịch trình vui chơi chi tiết trước là điều vô cùng quan trọng. Việc này không chỉ giúp bạn tận dụng tối đa thời gian mà còn giúp tránh được tình trạng “vô định” khi đến nơi.
Hãy nghiên cứu những địa điểm nổi bật, các hoạt động thú vị mà bạn muốn tham gia và lên kế hoạch sao cho hợp lý, đảm bảo không bỏ lỡ những trải nghiệm độc đáo. Đồng thời, đừng quên dành chút thời gian cho sự linh hoạt trong lịch trình, bởi đôi khi những điều bất ngờ nhất lại mang đến những ký ức đáng nhớ. Việc lên kế hoạch sớm sẽ giúp bạn tránh được sự bối rối, tiết kiệm thời gian và quan trọng hơn là có một kỳ nghỉ thật sự trọn vẹn.
Tránh “chi tiêu cảm xúc” khi đi chơi
Một trong những sai lầm dễ mắc phải khi đi du lịch là “chi tiêu cảm xúc” – tức là tiêu tiền bốc đồng, vì cảm thấy muốn thỏa mãn nhu cầu ngay lập tức mà không suy nghĩ kỹ. Đây có thể là việc mua sắm đồ lưu niệm đắt tiền, thử những món ăn đắt đỏ chỉ vì cảm thấy hấp dẫn tại thời điểm đó, hay thậm chí là đặt thêm các tour du lịch đắt tiền mà chưa thực sự cần.
Để tránh tình trạng hết tiền vào cuối kỳ nghỉ, hãy lập một ngân sách cho từng hạng mục chi tiêu trước khi đi, từ tiền ăn uống, phương tiện di chuyển đến các hoạt động tham quan. Điều này giúp bạn kiểm soát được chi tiêu và giữ cho tài chính luôn ổn định, đồng thời vẫn có thể tận hưởng chuyến đi mà không cảm thấy “hối hận” sau khi về.
Theo Tiếp Thị Gia Đình
Tags:
khám phá
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com